|
Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Minh Dung) |
Nhân kỷ niệm 18 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2023), 83 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2023), đồng thời hướng đến 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), ngày 21/11, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến”.
Triển lãm chuyên đề trưng bày 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật theo 3 nhóm nội dung: Nhóm kỷ vật của các chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam; Nhóm kỷ vật là hành trang của người chiến sĩ trên các mặt trận khác nhau như nhà báo, phóng viên chiến trường, văn công Quân Giải phóng miền Nam, các chiến sĩ Quân Giải phóng, nữ chiến sĩ miền Nam, đội ngũ y sĩ, bác sĩ... và nhóm kỷ vật của những cựu binh, cựu tù chính trị.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận, chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” giúp công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về một thời kỳ đấu tranh gian lao mà anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và người dân Việt Nam, cũng như về tinh thần yêu nước, tài khéo léo, óc sáng tạo của các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước, không bao giờ chịu cúi đầu, khuất phục trước thế lực xâm lược.
“Mỗi hiện vật chính là một câu chuyện cảm động, thú vị gắn với mỗi con người trong chiến tranh. Tôi tin rằng nội dung trưng bày sẽ được lan toả sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam trong và sau chiến tranh”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận nói.
TS. Trần Xuân Thảo - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh khẳng định, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta vô cùng anh dũng, kiên cường nhưng cũng cực kỳ gian khổ, khốc liệt. Trong những khoảnh khắc bình yên ngắn ngủi, những chiến sĩ cách mạng đã viết nên những trang thư, những bài thơ tha thiết, vẽ lên những bức tranh đầy xúc động hay sáng tạo ra những vật dụng gửi về cho gia đình với biết bao niềm nhớ thương, hy vọng.
Sau chiến tranh kết thúc, những kỷ vật thiêng liêng của nhiều chứng nhân lịch sử đã được trân trọng gìn giữ. Từ đó được kết nối để chúng ta thấy được một thời máu lửa, trong đó có cả sự yêu thương, tình đồng chí, đồng đội cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, những nỗi nhớ khôn nguôi, lòng hiếu thảo của những người con đối với bậc sinh thành, tình cảm thủy chung son sắt của vợ chồng. Và ở đó có cả máu, nước mắt, sự hy sinh cùng những hoài bão, ước mơ và nghị lực phi thường của một thời tuổi trẻ hiến dâng cho đất nước để có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc như hôm nay.
“Mỗi kỷ vật là một câu chuyện giúp công chúng có cái nhìn chân thực về những giá trị lịch sử, nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo ẩn chứa sau mỗi kỷ vật. Khách tham quan như một lần nữa cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Dù trong hiểm nguy hay lao tù họ vẫn son sắt một tình yêu cao đẹp với Tổ quốc”, TS. Trần Xuân Thảo chia sẻ.
Đặc biệt, chuyên đề còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Chuyên đề trưng bày từ ngày 21/11/2023 đến hết tháng 3/2024 tại Phòng đa năng - Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, quận 3, TP Hồ Chí Minh.