Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay

Thứ năm, 19/05/2011 09:47

(ĐCSVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Do vậy, những di sản mà Người để lại về nền hành chính nhà nước là vô cùng quý báu mà càng đi sâu vào nghiên cứu, chúng ta càng thấy những chỉ dẫn của Người về nền cải cách hành chính công là thiết thực, mang tính thời sự cấp bách.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về nền hành chính Nhà nước

Có thể nói, riêng đối với lĩnh vực hành chính nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận mà Người còn là kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính Nhà nước Việt nam về tất cả các nhân tố cấu thành của nó: xây dựng thể chế tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, công chức, lề lối làm việc, kỹ thuật hành chính và cơ chế vận hành, rèn luyện đạo đức, sửa đổi cách làm việc chống quan liêu lãng phí, tham ô, đảm bảo xây dựng một nền hành chính thực sự của dân, do dân và vì dân.

Khái niệm hành chính nhà nước có nội hàm rộng, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, nền hành chính được hiểu trên hai phương diện cơ cấu và nội dung với tư cách là bộ một bộ máy thực thi quyền hành pháp, là cơ quan quản lý nhà nước của quốc gia. Về cơ cấu, hành chính nhà nước được cấu thành bởi một số pháp nhân hành chính: Chính phủ ở đây là một tổ chức bộ máy bao gồm người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng), các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng đồng thời dưới Chính phủ là những pháp nhân hành chính có tính cách địa phương như tỉnh, thành phố, huyện, thị xã… Về nội dung, hoạt động hành chính rất rộng, nó thực hiện chức năng quản lý về mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời nó vừa phục vụ mọi lợi ích của nhân dân, vừa cung ứng dịch vụ công cộng cho toàn xã hội về tất cả các mặt an ninh, xã hội, kinh tế, tài chính…

 

 Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh triển khai Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010


Như vậy, hành chính nhà nước là toàn bộ hoạt động thực thi pháp luật, là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội), nó là tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương được cấu thành bởi các pháp nhân hành chính, chịu trách nhiệm về mọi mặt trước nhân dân và trước cơ quan lập pháp. Nó thực chất là cơ quan chỉ huy, điều khiển mọi hoạt động của xã hội theo ý chí, mục tiêu chính trị của nhà nước bằng chức năng, hình thức và phương pháp hành chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra nền chính trị cách mạng Việt Nam, đồng thời là người khai sinh nền cộng hòa dân chủ Việt Nam và đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại Việt nam. Người đã thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa mục tiêu chính trị và mục tiêu hành chính trong một mục tiêu chung. Đồng thời khi nói tới bản chất của nền hành chính nhà nước là nới tới bản chất của chế độ, tức là nói tới mối quan hệ giữa dân chủ và chuyên chính. Nền hành chính ấy, theo Hồ Chí Minh là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cũng tức là nền dân chủ nhân dân. Khái niệm nhân dân của ta có nội hàm rộng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa: “Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra Chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ. Đối với đế quốc phong kiến và lũ phản động thì thực hành chuyên chính chống lại chúng, đàn áp chúng”.

Bản chất của nền hành chính luôn luôn phụ thuộc vào bản chất của Nhà nước. Hồ Chủ tịch từng viết: “Tính chất của một nhà nước là: trong Nhà nước ấy, giai cấp nào thống trị, giai cấp nào bị thống trị. Nhà nước ấy bảo vệ lợi ích của giai cấp nào..” và “Tính chất của nó là nhân dân dân chủ chuyên chính… trong nước Việt nam dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, tức là của giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước để thực hành dân chủ chuyên chính”. Nhân dân dân chủ chuyên chính là bản chất của nền hành chính Việt Nam, nó được quy định ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (1946) của nước ta do đích thân Hồ Chủ tịch chủ trì soạn thảo và đã được Quốc hội khóa I nước Việt nam dân chủ cộng hòa thông qua.

Thực hiện cải cách hành chính là trọng tâm với 5 nội dung cơ bản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền hành chính dân chủ, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, đề cao vai trò của nền hành pháp, xác định cải cách hành chính là trọng tâm, tập trung vào 5 nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và Đảng viên trong cơ quan nhà nước.

Thứ hai, cải cách thể chế và phương thức hoạt động của nhà nước. Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương, cải cách tổ chức, nâng cao hiệu quả họat động của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác điều tra, bắt giam, giữ, truy tố, xét xử, …

Thứ ba, pháp huy dân chủ, giữ vững kỹ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế. Nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền giáo dục toàn dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý về đường lối chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, kịp thời thay thế cán bộ, công chức yếu kém và thoái hóa. Tăng cường cán bộ cơ sở, có chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Thứ năm, đấu tranh chống tham nhũng. Tăng cường tổ chức và cơ chế, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy quản lý nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, ngành, từ Trung ương đến cơ sở. Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt chống các hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính.

Như vậy là, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc cải cách nền hành chính nước ta, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trong đó xác định rõ 4 lĩnh vực bao gồm: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công.

Mục tiêu hướng tới đó là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đúng như những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong mỏi./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực