|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tại buổi làm việc (Ảnh: Trần Huấn) |
Chiều 15/9 tại TP. Tuyên Quang, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về công tác phát triển VHTTDL trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết: Trong thời gian qua, Tuyên Quang đã tập trung triển khai sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; Xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, kế thừa truyền thống quê hương cách mạng. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội. Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng. Bảo tồn,phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa.
Đặc biệt thời gian qua Tuyên Quang đã kịp thời chỉ đạo, ban hành hơn 30 văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong lĩnh vực VHTTDL, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới… Những kết quả trên đã góp phần cho tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.
Bí thư Chẩu Văn Lâm cũng nêu rõ, tỉnh Tuyên Quang còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng đoàn công tác chỉ rõ những điểm nghẽn, chỉ đạo, định hướng để giúp Tuyên Quang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về VHTTDL.
Báo cáo kết quả công tác VHTTDL tỉnh Tuyên Quang 8 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương nhấn mạnh, địa phương luôn giành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác VHTTDL. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa trọng điểm cấp tỉnh. Huy động các nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 134/138 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.641/1.733 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình. Tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh.
Toàn tỉnh có 658 di tích, trong đó 03 Khu di tích quốc gia đặc biệt, 182 di tích quốc gia, 259 di tích cấp tỉnh, các di tích còn lại đã được cắm mốc xác định địa điểm. Trong những năm qua tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn và phát giá trị di tích lịch sử văn hoá. Tỉnh cũng luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc. Đến nay tỉnh có 12 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thường niên, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự, tiêu biểu như Lễ hội Thành Tuyên - đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có của Tuyên Quang…
|
Toàn cảnh Buổi làm việc (Ảnh: Trần Huấn) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ và tỉnh Tuyên Quang đã có sự phối hợp khá chặt chẽ để tập trung các nhiệm vụ phát triển KTXH nói chung, phát triển VHTTDL nói riêng. Trong nhiệm kỳ này, Bộ VHTTDL xác định chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa, bước đầu đã tạo chiều hướng lan tỏa, tạo sự đồng nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển KTXH nói chung và VHTTDL nói riêng.
Bộ trưởng chia sẻ, đến với Tuyên Quang là đến với vùng đất cách mạng, thấm đẫm các giá trị văn hóa. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phát huy truyền thống các mạng, các giá trị văn hóa để xây dựng vùng đất ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những con số biết nói đã khẳng định bước phát triển nhanh, đổi sắc thay da trên vùng đất chiến khu cách mạng. 134/138 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 1.641/1.733 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa... là con số nói lên sự quan tâm của tỉnh tới văn hóa.
Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả đạt được và cảm ơn Tuyên Quang đã có sự quan tâm đầu tư cho các lĩnh vực VHTTDL, góp phần giúp ngành hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả, Tuyên Quang còn đang có nhiều khó khăn trong việc lựa chọn quan điểm phát triển liên kết, vấn đề huy động nguồn lực để tạo sức bật mới. Với nhiều tiềm năng, vấn đề đầu tư tương xứng vẫn đặt ra nhiều trăn trở. “Chúng tôi chia sẻ và mong muốn Tuyên Quang tiếp tục giữ vững quan điểm: không đổi các giá trị văn hóa lịch sử bằng giá trị kinh tế thuần túy…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cho rằng đã đến lúc định hình và quán triệt lại, làm rõ hơn các luận điểm về nguyên tắc phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần chú trọng các nội hàm, nếu không sẽ dễ chệch trước tác động và sự phát triển “nóng” hiện nay. Bộ trưởng đề nghị địa phương giữ vững nguyên tắc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử cách mạng hiện có. Từ đó, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy cho rà soát lại việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư, Ban Bí thư để có đánh giá, gắn với đó nghiên cứu thêm để định hướng nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ mới. Tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở văn hóa, thể thao của tỉnh, kết hợp với quy hoạch chung, phục vụ cho phát triển bền vững. Tổng kết kinh nghiệm làm ở một số đơn vị để ban hành hướng dẫn về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị; ban hành các quy ước về xây dựng đời sống văn hóa.
Lưu ý cần nhìn văn hóa từ chiều sâu, cân đối các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện thêm thiết chế văn hóa các cấp, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ văn hóa thì nhiều, lĩnh vực văn hóa thì rộng, cần đặt ra vừa tầm, làm từng bước, vừa làm vừa tổng kết để đạt được kết quả có chiều sâu, hiệu quả…”.
Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng khẳng định, Tuyên Quang có dư địa và hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch bền vững với tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng và bản sắc văn hoá hết sức độc đáo của 22 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Bộ trưởng nhấn mạnh, 3 yếu tố này như thế chân kiềng cho du lịch Tuyên Quang phát triển và đề nghị Tuyên Quang có định hướng để xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch của tỉnh kết nối vào hệ thống du lịch quốc gia, từ đó xác định được đâu là khu du lịch, đâu là điểm du lịch. Từ quy hoạch tỉnh cần xác định đâu là khu vực động lực để phát triển du lịch, trên cơ sở dựa vào yếu tố thiên nhiên và giá trị lan toả. Bộ trưởng gợi ý có thể tập trung xây dựng khu Ba Bể - Na Hang, nếu được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nơi đây sẽ thu hút được đầu tư rất lớn.
Phải xác định lại sản phẩm du lịch, định hình giá trị sản phẩm du lịch của Tuyên Quang. “Tôi đề nghị phải tính lại các sản phẩm. Khi giao thông thuận lợi, cao tốc được rút ngắn thì phải nghĩ đến sản phẩm mới, đó là du lịch MICE (hội nghị, nghỉ dưỡng, khám chưa bệnh…). Từ sản phẩm đó xác định, định vị và làm mới bộ sản phẩm. Phải có được sản phẩm chứ nếu không mọi thứ chỉ nằm trong Nghị quyết”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, phải thu hút đầu tư, trước mắt phải đầu tư để xây dựng các khu nghỉ dưỡng. Du khách phải nghỉ lại mới tạo ra nguồn thu cho các điểm du lịch. Bộ trưởng cũng nêu rõ, vai trò quản lý nhà nước về du lịch là của Sở VHTTDL nhưng phải phát huy vai trò của hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp, bởi đó mới là những người trực tiếp làm và kết nối khách du lịch.
Bộ trưởng giao Tổng cục Du lịch từ nay đến cuối năm phải tạo ra một sản phẩm du lịch mới tại Tân Trào để góp phần giải quyết vấn đề điểm nghẽn tại đây.
Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị, Tuyên Quang cần tập trung lãnh đạo thể thao cho mọi người theo hướng toàn dân học tập, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Thứ hai, phải quy hoạch để có trung tâm thể thao. Thứ ba là phải chuẩn bị tích cực nhất để tham gia Đại hội thể thao toàn quốc sắp tới.
Bộ trưởng đồng tình và chia sẻ với các kiến nghị của tỉnh, đồng thời cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa để thực hiện các đề xuất này, đặc biệt là với đề xuất hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng các di tích của Tuyên Quang.
Trước đó, sáng 15/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cùng đoàn công tác đã thăm, khảo sát các điểm di tích tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào; khảo sát địa điểm dự kiến đặt Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Tân Trào và thăm Khu di tích Nha Thông tin tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.