|
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân phát biểu tại Hội thảo. |
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”.
Các đồng chí: GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; các nhà khoa học đến từ các học viện, trường đại học và cơ quan báo chí – truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, theo thống kê tính đến đầu năm 2024 của tổ chức We are social: Kể từ năm 1997 đến nay sau gần ba thập kỷ kết nối mạng internet, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với hơn 78,4 triệu người sử dụng internet (tương đương 79,1% dân số). Sự phát triển nhanh và ngày càng phổ biến của internet cũng như các công nghệ kết nối mạng, các loại thiết bị thông minh đã thúc đẩy các dịch vụ trên mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bùng nổ và thu hút hàng chục triệu người dùng, trong đó có truyền thông số trên mạng xã hội.
Theo Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, về mặt tích cực, truyền thông số trên mạng xã hội đã mang lại cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn; giúp mỗi cá nhân có những điều kiện thuận lợi trong học tập, làm việc, giao lưu, trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thiết thực. Tuy nhiên, song hành với những lợi ích to lớn đó, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm cũng triệt để khai thác tính ẩn danh, nặc danh, đặc điểm lan tỏa, phát tán thông tin nhanh, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian của truyền thông số trên mạng xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng, trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, sự xâm nhập, tiếp biến của các luồng văn hóa độc hại từ nước ngoài thông qua truyền thông số trên mạng xã hội có thể đe dọa hoặc làm xói mòn đến các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Thực tiễn trên cho thấy, yêu cầu xây dựng, bảo đảm chặt chẽ các yếu tố văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang ngày càng đặt ra một cách cấp bách, bức thiết, đòi hỏi sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng báo chí, truyền thông”. Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng đánh giá.
Để góp phần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tầm nhìn “phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” ở Việt Nam, theo GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc xây dựng một môi trường mạng xã hội văn minh, an toàn với các nội dung truyền thông số đảm bảo văn hóa, đạo đức, được quy định pháp lý chặt chẽ ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cấp bách, quan trọng.
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Để đạt được mục đích, yêu cầu đó, với 93 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo, tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam; phân tích thực trạng văn hóa, đạo đức, pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra; đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Phó Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Để thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp lý của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân trong việc xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức trách nhiệm, sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, có đạo đức và tuân thủ pháp luật. Cần có sự đầu tư thích đáng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội. Cần có đội ngũ cán bộ quản lý mạng xã hội có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có đạo đức, trách nhiệm.
Việc xây dựng văn hóa, đạo đức, đảm bảo tuân thủ pháp luật của nội dung truyền thông số trên mạng xã hội ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và người dân. Bằng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, chúng ta có thể xây dựng môi trường mạng xã hội văn hóa, văn minh, lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, giải trí, giao lưu kết nối cộng đồng./.