Những người giữ hồn cốt Tây Nguyên
Đến với gia đình ông Rơ Mah Khơn là người dân tộc Jrai, đội trưởng Đội cồng chiêng làng Khop, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy ông đang nâng niu, lau chùi từng chiếc chiêng trong bộ chiêng quý 16 cái. Ông tâm sự, bộ chiêng này đã ở với ông gần 20 năm. Chúng như những bảo vật mà không bao giờ ông lìa xa. Vừa qua, căn nhà lá của ông không may bị cháy rụi. Mọi tài sản có giá trị đều bị cháy hết, rất may mắn bộ chiêng được cất chỗ khác nên vẫn còn.
Vừa là Trưởng thôn, vừa là Đội trưởng Đội cồng chiêng xã, ông luôn tâm niệm và có điều kiện thuận lợi để xây dựng đội cồng chiêng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Rơ Mah Khơn (làng Khop, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai)
luôn nâng nui, gìn giữ bộ chiêng của mình như báu vật. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Ông Rơ Mah Khơn cho biết, đội chiêng gồm 40 người (kể cả những người múa xoang), đều là những người dân trong xã. Ai cũng được truyền dạy rất bài bản; do đó, khi được phân công bố trí đánh cồng, chiêng hoặc nhạc cụ nào thì họ đều có thể chơi được. Đội cồng chiêng thường xuyên đi biểu diễn ở huyện, ở tỉnh, ngoài ra cũng biểu diễn ở một số sự kiện phục vụ khách du lịch. Đây là dịp để đội có thể giao lưu, học hỏi và truyền dạy những kinh nghiệm gõ cồng, chiêng cùng với các đội bạn; đồng thời, đội lại được sống trong không gian văn hóa truyền thống của dân tộc.
Còn tại làng Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tới nhà Rông của thôn 7, bởi âm thanh của tiếng cồng chiêng rộn ràng, vang vọng. Người già, thanh niên trong làng đang tập trung dạy cho các em nhỏ những điệu chiêng truyền thống, những bản chiêng mới sáng tác. Có lẽ nhờ sự tận tình truyền dạy của các già làng, đến nay, những thiếu niên tại này đã thuộc lòng các động tác như: Cầm dùi, gõ nhịp, hay những kỹ năng diễn tấu của các bài cồng chiêng cơ bản tại các lễ hội buôn làng. Mỗi dịp làng có hội hay làm lễ, người dân trong làng đều nô nức, phấn khởi để thể hiện tài đánh chiêng, múa xoang của mình.
Là một trong những người tâm huyết gìn giữ từng nét văn hóa bản địa, già làng A Biêng - người dân tộc Bana bày tỏ: “Tôi thường tập trung những người biết đánh cồng chiêng để chỉ dạy lại cho dân làng, không chỉ biết gõ chiêng, cồng, cảm thụ tiếng cồng chiêng mà họ còn biết yêu quý và gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Già vui lắm, giờ có rất nhiều các cháu tuy còn nhỏ, cả mấy chị phụ nữ nữa, cũng đã biết cầm cái chiêng, cái dùi, đánh được nhiều bài hay”.
Già làng A Biêng (làng Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum)
chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những trăn trở
làm gì để lữu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của quê hương. (ảnh: TH)
Văn hóa cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ mai một
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, chỉ còn khoảng 10.000 bộ cồng chiêng đang được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lưu giữ, trong đó không ít bộ cồng chiêng đã bị hư hỏng, thất lạc và mua bán…
Riêng tỉnh Gia Lai - tỉnh có số lượng cồng chiêng chiếm hơn một nửa số bộ cồng chiêng tại Tây Nguyên - có khoảng 5.000 bộ. Số lượng làng có cồng chiêng trong tổng số làng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh là 948/1.192, chiếm 79,53%. Địa phương còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất là huyện Ia Grai với 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm. Số cồng chiêng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai là 48 bộ với 612 chiếc cồng, chiêng.
Tỉnh Kon Tum có gần 2.000 bộ cồng chiêng, trong đó, hơn 30 loại chiêng cổ, tiêu biểu như: Chiêng Tha (dân tộc B'râu), chiêng Pom, chiêng Pát (dân tộc Jrai nhánh A Ráp), chiêng Tơnơl (dân tộc Ba Na)... Có hơn 300 đội nghệ nhân cồng chiêng hoạt động tại 600 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu.
Cũng theo thống kê, số lượng người biết sử dụng cồng chiêng không nhiều, chỉ có khoảng 1,4% đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên biết sử dụng cồng, 9,3% biết sử dụng chiêng, 5% biết sử dụng trống. Trong khi đó, không gian văn hóa cồng chiêng đang bị mất dần đi, biểu hiện là: Sự suy giảm tài nguyên rừng, sự mất dần những ngôi nhà dài truyền thống, những bến nước và những lễ hội (nhà rông, nhà dài, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước…), nên cồng chiêng cũng ít được đem ra sử dụng hơn.
Mặc dù các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, tuy nhiên các biện pháp chỉ dừng lại ở kiểm kê số lượng nhạc cụ, số lượng nghệ nhân và hiện trạng thực hành trong đời sống thường ngày. Các thông tin, dữ liệu sưu tầm chưa được “tư liệu hóa” phù hợp dẫn đến phổ biến, lưu truyền chưa rộng rãi. Hàng năm, các tỉnh cũng có tổ chức Festival, cấp huyện là 2 - 3 năm/lần. Những cố gắng này chỉ góp phần duy trì một bộ phận của di sản cồng chiêng trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở, còn quá ít nên không mấy hiệu quả và hấp dẫn công chúng, nhất là với lớp trẻ. Trong khi các hoạt động du lịch ở những tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum còn rất hạn chế, thì việc đưa biểu diễn cồng chiêng vào phục vụ du lịch lại càng khó khăn, bởi để chi phí cho một buổi biểu diễn cồng chiêng là tương đối lớn (20 - 40 người biểu diễn).
Bên cạnh đó, sự thay đổi về hình thức canh tác của nền sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, dẫn đến bối cảnh sinh hoạt văn hóa cồng chiêng nguyên gốc cũng có sự thay đổi. Việc chuyển giao các phong tục, kiến thức, bí quyết văn hóa cồng chiêng cho thế hệ kế tiếp gặp khó khăn do đời sống kinh tế hạn chế. Rất nhiều nghệ nhân cao tuổi đã về với tổ tiên. Sự ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai, lối sống của giới trẻ bị cuốn theo trào lưu hiện đại, xa rời gốc rễ nên không còn tha thiết với các loại nhạc cụ truyền thống.
Nhà Rông thôn 7, làng Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
vẫn luôn được đồng bào dân tộc Bana ở nơi đây gìn giữ, bảo tồn
làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. (Ảnh: Trần Quỳnh)
Làm gì để tiếng cồng chiêng vang xa?
Khi được hỏi mong muốn của mình, ông Rơ Mah Khơn cho biết: “Vài năm gần đây, tỉnh, huyện tổ chức một số lớp hướng dẫn cách đánh chiêng truyền thống, cách chỉnh chiêng, giúp chúng tôi có cái nhìn bài bản, biết cách làm khoa học, tôi thấy rất bổ ích. Tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, tiếp tục trang bị cồng chiêng cho các làng bản còn thiếu; ví dụ như làng tôi không có, mỗi lần biểu diễn tôi lại mang bộ cồng chiêng của mình ra phục vụ. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng có thể kết nối để chúng tôi được đi biểu diễn ở các khu du lịch thì rất tốt. Chúng tôi vừa có thể được biểu diễn, truyền bá văn hóa cồng chiêng, rèn giũa thêm khả năng đánh cồng chiêng của mình, vừa có thêm thu nhập, tạo động lực để mọi người cùng cố gắng”.
Đồng chí Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Hầu hết các buôn làng ở Gia Lai đều có những đội cồng chiêng do những nghệ nhân, già làng làm nòng cốt. Những năm gần đây, sự xuất hiện của các đội chiêng nhí, chiêng nữ tại các buôn làng cho thấy văn hóa cồng chiêng tại đây đã và đang được kế thừa, phát huy một cách mạnh mẽ. Ngoài ra, công tác mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ trong cộng đồng các dân tộc được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh đã tổ chức trên 20 lớp truyền dạy với sự tham gia của trên 600 học viên. Người truyền dạy chủ yếu là các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng, múa xoang của dân tộc để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, Phòng Di sản văn hóa tỉnh cũng tăng cường nghiên cứu phục dựng các lễ hội điển hình của đồng bào có sử dụng cồng chiêng; Bảo tàng tỉnh chú ý sưu tầm những bộ chiêng quý phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Đối với tỉnh Kon Tum, theo đồng chí Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ngoài việc truyên truyền cho bà con giữ gìn, bảo quản cồng chiêng, trang bị cồng chiêng cho những làng xã chưa có; tổ chức festival, đưa các đoàn nghệ nhân đi giao lưu văn hóa, tổ chức các lớp truyền dạy, thì nhiều năm qua, tỉnh đã đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy di sản cồng chiêng vào nhiệm vụ giáo dục hàng năm. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cũng đã tổ chức nhiều hội thi cồng chiêng - xoang cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú của các huyện, thành phố.
Đồng chí Phan Văn Hoàng cho biết, việc khôi phục và xây dựng nhà rông đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn các điều kiện để giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng. Đến nay, toàn tỉnh có 510 nhà rông trên tổng số 622 làng đồng bào dân tộc, 341 làng được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà rông. Tỉnh cũng quan tâm tôn vinh và khích lệ động viên các nghệ nhân trong lĩnh vực cồng chiêng. Trong số 43 nghệ nhân ưu tú của tỉnh được phong tặng, có đến 29 là nghệ nhân ưu tú đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng. Toàn tỉnh hiện có 427 đội nghệ nhân cồng chiêng. Mỗi năm, tỉnh cũng trang bị 15 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng còn thiếu, tổ chức 3 - 4 lớp chỉnh chiêng.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên,
và được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa "Kiệt tác truyền khẩu
và phi vật thể của nhân loại". (ducco.gialai.gov.vn)
Tuy nhiên, những việc làm đó chưa thể đảm bảo cho sự phát triển trường tồn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Đồng chí Phan Văn Hoàng nhận định, để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao lòng tự hào, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị của cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép, ghi hình các hình ảnh, tư liệu về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để giữ gìn, bảo quản và phát huy trong thời gian tới. Tăng cường công tác thông tin về các chương trình mời gọi, hợp tác, giao lưu văn hóa để quảng bá cồng chiêng trong phạm vi quốc gia và quốc tế, nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu và phục hồi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, bên cạnh việc phục dựng không gian buôn làng truyền thống, cần có những biện pháp phục dựng không gian rừng, không gian nương rẫy, không gian bến nước, nhằm tạo những không gian phù hợp cho diễn tấu văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, cần phải truyền dạy toàn bộ vốn di sản cồng chiêng cho lớp trẻ theo phương pháp đồng bộ, bao gồm cả nội dung của các hoạt động chức năng thực hành xã hội của mỗi bài chiêng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc biểu diễn cồng chiêng với phát triển du lịch, giúp du lịch phát triển, vừa giúp cho người dân sinh kế bằng chính văn hóa truyền thống của họ, vừa bảo tồn và phát huy được không gian văn hóa cồng chiêng.
"Phải làm cho nó trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch để giúp cho đồng bào sống được, đó mới là cách bảo tồn bền vững nhất" - đồng chí Nguyễn Quang Tuệ nhấn mạnh.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là niềm tự hào của người dân Tây Nguyên, mà đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại". Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của nó là trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả mọi người dân. Làm tốt công tác ấy không chỉ có ý nghĩa đối với hôm nay mà cả với mai sau, để âm thanh cồng chiêng mãi âm vang trong lồng ngực, trái tim mỗi người dân các dân tộc Tây Nguyên và mỗi người dân Việt Nam./.