|
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; phải đối phó với thù trong, giặc ngoài; “giặc đói”, “giặc dốt” bủa vây. Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đàm phán hòa bình với Pháp, mong muốn Pháp công nhận một nước Việt Nam độc lập, nhưng mọi cố gắng đều không thành, bởi sự bội ước của thực dân Pháp.
Ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Đêm ngày 19 tháng 12, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, để đến sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946, thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được phát đi khắp cả nước.
“Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!...”.
Chỉ bằng hơn 200 từ, nhưng bằng những lời hiệu triệu súc tích, hùng hồn, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là lời non sông, là hiệu lệnh cứu nước trong khoảnh khắc Tổ quốc lâm nguy. Đây là một quyết định lịch sử đúng đắn và kịp thời của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh chúng ta không thể nhân nhượng thực dân Pháp được nữa, bởi nhân nhượng là mất nước; Chính phủ cách mạng lâm thời không thể chần chừ thêm nữa, vì chần chừ sẽ bị địch tấn công tiêu diệt. Dân tộc ta không còn lựa chọn nào khác là phải đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược.
Tại Lời kêu gọi, Bác đã khẳng định “nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình”, “dân tộc ấy đã nhân nhượng”, và bây giờ “buộc phải cầm vũ khí” bởi vì người Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Lời kêu gọi cũng truyền đi thông điệp cuộc kháng chiến có trường kỳ gian khổ, “gian lao kháng chiến”, nhưng “nhất định thắng lợi”. Cuộc kháng chiến ấy cần sự góp sức của cả đàn ông, đàn bà, không phân biệt người già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, “hễ là người Việt Nam thì phải đứng dậy đánh Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi tuy ngắn gọn, súc tích, những lời lẽ giản dị, dễ hiểu, nhưng hùng hồn, như một mệnh lệnh, một lời hiệu triệu những trái tim yêu nước phải đứng lên hành động. Lời kêu gọi như truyền thêm lòng tin tới mỗi người dân Việt Nam rằng “thắng lợi nhất định về dân tộc ta”, xóa bỏ mọi khoảng cách tôn giáo, đảng phái, rằng “hễ là người Việt Nam” thì phải đứng lên cứu nước. Lời kêu gọi ấy như một lời hịch cứu nước vang dội non sông, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam nhất tề đứng dậy kháng chiến.
|
Tinh thần và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa |
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, nhân dân ta đã đoàn kết chung sức đồng lòng, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bước vào cuộc trường chinh đầy gian khổ nhưng hết sức vinh quang. Đó là chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp dành thắng lợi oanh liệt mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp theo là 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc bằng đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước, đất nước ta vững bước tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả bằng lý luận và thực tiễn, đã thấy rõ được sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, từ đó Người khơi gợi lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam, tìm mọi cách tập hợp những tinh thần ấy tạo nên một sức mạnh khổng lồ để chiến thắng mọi kẻ thù to lớn và hung bạo nhất. Đảng ta đã kế thừa bài học về tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc ấy để kêu gọi toàn dân chung tay thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế.
77 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần và Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vẫn còn vang vọng như hồn thiêng sông núi Việt Nam, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Đây là dịp để mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, nhìn nhận rõ hơn một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước trong tình thế hiểm nghèo, tưởng chừng như không thể vượt qua. Khi đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt phát động toàn quốc kháng chiến, khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc để toàn dân tộc đứng lên quyết giữ vững nền độc lập mà chúng ta mất bao xương máu mới giành lại được. Ý chí và quyết tâm đó rất cần được phát huy lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay, vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, hùng cường; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh./.