Xã Cổ Loa kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng

Thứ hai, 15/04/2024 16:48
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 15/4, Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, nhà tư tưởng - lý luận của Đảng ta, người con ưu tú của quê hương Cổ Loa.
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng chí Đào Duy Tùng 

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người con ưu tú của quê hương Cổ Loa

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20 tháng 5 năm 1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng kiệt xuất của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền. Cổ Loa là địa phương đầu tiên phát động khởi nghĩa của tỉnh Phúc Yên và cũng là xã phát động khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất của huyện Đông Anh (ngày 17/8/1945).

Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 9/1945, đồng chí Đào Duy Tùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Cổ Loa, sau đó được huyện cử đi tham gia thành lập chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện.

Các đại biểu tham quan các hoạt động của xã Cổ Loa hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng 

Tháng 6/1946, Đồng chí là Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947, Đồng chí là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư Huyện ủy Kim Anh, rồi được điều về phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9/1948, Đồng chí là Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949, Đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.

Tháng 02/1950, Đồng chí được điều về công tác tại Khu ủy, rồi được cử làm Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Thời kỳ Chiến dịch biên giới, Đồng chí được cử làm Phó trưởng Ban huy động dân công. Tháng 9/1951, Đồng chí làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ tháng 01/1953, Đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc. Tháng 5/1955, Đồng chí được phân công công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương; tháng 01/1956 là Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Huấn học. Tháng 12/1962, Đồng chí được cử làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ năm 1965 đến năm 1982, Đồng chí kiêm chức Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980, Đồng chí được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Tháng 11/1981, Đồng chí được bầu là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân công là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.

Những năm tháng làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã thể hiện rõ vai trò nhà lãnh đạo công tác báo chí và là nhà báo lớn của Đảng, tích cực nâng cao chất lượng tư tưởng, lý luận nhằm đưa Tạp chí Học tập thực sự trở thành ngọn cờ lý luận và chính trị tiên phong của Đảng; luôn theo sát thực tiễn đời sống, kịp thời phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, cái tốt, kiên quyết phê phán những hiện tượng tiêu cực; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn góp phần xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng. Là một cây bút sắc sảo, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết nhiều tác phẩm báo chí chính luận với lập luận chặt chẽ, văn phong ngắn gọn, trong sáng; nội dung sâu sắc, đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực, luôn tìm cái mới, phát hiện cái mới và trân trọng cái mới; góp phần định hướng tư tưởng trong Đảng và trong xã hội.

 Đồng chí Nguyễn Thị Lương, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt những năm đất nước tiến hành đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể những nhà lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí đã dành trọn tâm sức, trí lực của mình cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng chí Đào Duy Tùng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, đặc biệt là trên lĩnh vực công tác tư tưởng.

Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng và phẩm chất cao quý, đồng chí Đào Duy Tùng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương lao động hạng nhất, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương, Huy chương khác.

Noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, góp phần xây dựng quê hương Cổ Loa ngày càng phát triển

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Thị Lương, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cổ Loa luôn trân trọng, biết ơn sự đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và với quê hương. Luôn quan tâm công tác giáo dục truyền thống, tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong xã đối với thế hệ lãnh đạo tiền bối cũng như góp phần xây dựng quê hương Cổ Loa ngày càng phát triển bền vững.

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, trong suốt hơn một năm qua, Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể, các thôn, các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã đã phát động đợt thi đua cao điểm và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: Triển khai các hoạt hoạt động tuyên truyền, học tập chuyên đề đến mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Triển khai cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng trong đoàn viên, thanh niên và học sinh các trường học; Triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là thực hiện Chương trình công tác trọng tâm toàn khoá, chỉ tiêu Đề án xây dựng xã thành phường; Phát động ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây cảnh tại khuôn viên nhà lưu niệm, tuyến đường Đào Duy Tùng, trung tâm khu di tích; Thực hiện nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông thôn Chợ…; đón nhận các công trình trọng điểm của huyện, của thành phố như: Dự án đầu tư, xây dựng Đền thờ Đức Vua Ngô Quyền; Dự án Công viên di sản... Quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cổ Loa luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy, HĐND, UBND Huyện Đông Anh, đặc biệt là sự tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần của gia đình, dòng tộc đồng chí Đào Duy Tùng. 

 Cắt băng khánh thành công trình giao thông chào mừng 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng

Theo đồng chí Nguyễn Thị Lương, kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng là dịp để nhân dân xã Cổ Loa nói riêng và cả nước nói chung ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tri ân những cống hiến của Đồng chí đối với Đảng, với Nhân dân. Noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Cổ Loa tiếp tục học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Đào Duy Tùng, nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Đảng bộ xã tăng cường đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chương trình công tác trọng tâm, quyết liệt thực hiện bằng được những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Góp phần xây dựng quê hương Cổ Loa ngày càng giàu đẹp, văn minh trong hành trình khát vọng, xây dựng Đông Anh phát triển thịnh vượng, thành phố thông minh phía bắc sông Hồng của Thủ đô Hà Nội văn hiến và anh hùng.

Nhân dịp này nhân dân và các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm đã tổ chức lễ dâng hương và gắn biển công trình giao thông chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng./.

Tin, ảnh: PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực