Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Thứ hai, 23/11/2020 09:48
(ĐCSVN) - Đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, văn học nghệ thuật Việt Nam phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại...

Văn hoá Việt Nam là thành quả lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Văn hoá Việt Nam hun đúc nên tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách, nhân cách con người Việt Nam. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu là động lực xây dựng và phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá. Là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Con người là chủ thể sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật. Giá trị với tư cách là phạm trù triết học xã hội học chỉ tính có ích, có ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội. Hệ giá trị văn học nghệ thuật là hệ thống các giá trị tư tưởng và nghệ thuật kết tinh trong các tác phẩm văn học nghệ thuật có tác dụng trực tiếp bồi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, nhân cách cho sự phát triển toàn điện của con người.

Trình diễn Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Thế Dương 

Ba mươi nhăm năm qua, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá, văn học nghệ thuật Việt Nam đã diễn ra một quá trình đổi mới, phát triển sâu sắc và toàn diện trên cả hai tính chất, đặc trưng cơ bản của văn hoá văn nghệ Việt Nam: tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Tính chất tiên tiến được nhận thức là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Bản sắc văn hoá văn nghệ dân tộc còn đậm nét trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.

So với bốn thập niên trước đây, hệ giá trị văn hoá văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay ở tất cả các hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, quảng bá, biểu diễn, xuất bản, phát hành, công chúng tiếp nhận với tất cả các loại hình: văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc đều có bước phát triển mạnh mẽ, đa dạng theo những xu hướng sau: Bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, trong quá trình tiếp cận phản ánh chân thực sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, quá trình chủ động hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng chủ đạo của nhận thức lý luận; văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Đội ngũ văn nghệ sỹ đã sáng tạo nên những tác phẩm, những hình tượng văn học nghệ thuật kết tinh những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam, sáng tạo nhiều giá trị mới của con người Việt Nam, của văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Bên cạnh xu hướng phát triển chủ đạo tích cực trên còn một xu hướng phát triển chệch định hướng, lệch chuẩn, loạn chuẩn đang diễn ra trong đời sống văn học nghệ thuật như nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ: “Trong sáng tác, biểu diễn truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, còn không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể hiện tính chất tiên tiến và bản sắc dân tộc”. Số lượng tác phẩm ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trong một số không ít tác phẩm lý tưởng xã hội. Thẩm mỹ không rõ nét, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp. Một số văn nghệ sỹ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống chưa cảm nhận đầy đủ ý nghĩa chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ mới của đất nước nên đã xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước chạy theo những đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp có biểu hiện cực đoan chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác, truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước.

Những mặt tiêu cực trên của các hoạt động sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình trong văn học nghệ thuật là những biểu hiện lệch lạc về giá trị. Và chính những lệch lạc về giá trị này là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động tới tình trạng một bộ phận không nhỏ công chúng tiếp nhận suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Những quan điểm đổi mới của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật thể hiện trong NQTW5 khóa VIII, Nghị quyết 23 Bộ chính trị khóa X và nghị quyết TW 9 khóa XI đã tạo nên sự chuyển biến nhận thức sâu rộng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cùng những định hướng giá trị cơ bản về tư tưởng và nghệ thuật cho giới sáng tác, đội ngũ lý luận phê bình và công chúng tiếp nhận. Nhưng vì chưa xác định xây dựng được hệ giá trị chuẩn cho văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới nên không ít văn nghệ sỹ lúng túng chệch hướng, lệch chuẩn, loạn chuẩn trong sáng tạo, quảng bá, biểu diễn; Giới lý luận phê bình thì thiếu hệ thống tiêu chí tin cậy thiếu hệ giá trị chuẩn để đánh giá, thẩm định, đồng hành với tác giả, tác phẩm và định hướng tư tưởng thẩm mỹ cho công chúng tiếp nhận.

Đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh CNH-HĐH, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, văn học nghệ thuật Việt Nam phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao có tác dụng to lớn xây dựng con người vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa – tinh thần ngày càng cao của nhân dân, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng phát triển văn học nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn phát huy những giá trị của văn học nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết, làm thất bại âm mưu thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.

Từ quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, chúng ta nhận rõ tính quy luật của sự hình thành hệ giá trị chuẩn mực mới của văn hóa, văn nghệ Việt Nam là: Kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Tính quy luật này là định hướng có tính nguyên tắc cho quy trình xác lập hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam là sự phản ảnh, kết tinh hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam. Trong nghị quyết TW9. Khóa XI, Đảng ta đã xác định những nội dung cốt lõi của hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là yêu nước, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật.

Văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa thẩm mỹ, là lĩnh vực phong phú và nhạy cảm của văn hóa. Các tác phẩm văn học nghệ thuật là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Đó là quá trình khách thể hóa những nhận thức chủ quan của văn nghệ sỹ. Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật liên quan đến sự nhận thức về đời sống và sự miêu tả phản ánh, thể hiện hiện thực cuộc sống của văn nghệ sỹ. Sự phản ánh này không chỉ là sự phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật được đánh giá bằng chiều cao của lý tưởng xã hội thẩm mỹ và chất lượng của hình tượng nghệ thuật mà người nghệ sỹ thể hiện đặc biệt là có hiệu quả tác động đến công chúng tiếp nhận theo hướng xây dựng con người phát triển toàn diện từ thể chất tâm hồn, nhân cách, đạo đức, đến trí tuệ, năng lực sáng tạo, từ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân đến ý thức tuân thủ pháp luật, từ bản lĩnh, ý chí đến khát vọng, từ những quan niệm, quan điểm chỉ đạo, từ những định hướng có tính nguyên tắc cho quy trình xác lập hệ giá trị văn học nghệ thuật được trình bày trên, chúng ta có điều kiện, tiền đề cần thiết đề xây dựng Hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

PGS.TS Đào Duy Quát
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực
Hội đồng lý luận phê bình
Văn học nghệ thuật Trung ươn
g

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực