Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng

Thứ tư, 10/05/2023 23:25
(ĐCSVN) – Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh: Thông qua Hội thảo, Đà Nẵng mong muốn được lắng nghe, lĩnh hội kinh nghiệm từ các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng với các chuyên gia quốc tế đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ. Đó thực sự là những kiến thức phong phú, thiết thực để Đà Nẵng tìm ra hướng đi phù hợp, thúc đẩy phát triển điện ảnh địa phương.

DANAFF I - Nhịp cầu của bộ môn nghệ thuật thứ bảy tại Châu Á

 Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh: Đình Tăng)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho rằng, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh đã và đang là hướng phát triển kinh tế bền vững và là kênh quảng bá hình ảnh điểm đến hữu hiệu đã được nhiều nước trên thế giới vận dụng thành công.

“Những năm qua, Đà Nẵng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương về chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 theo hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; góp phần vào mục tiêu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế. Đặc biệt, với danh hiệu “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” trong nhiều năm liền do các tạp chí du lịch uy tín bình chọn, trong tiến trình xây dựng thương hiệu “Thành phố sự kiện”, Đà Nẵng  xác định điện ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu cho hình ảnh điểm đến của TP và góp phần mạnh mẽ trong phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là du lịch. Để đạt được mục tiêu đề ra, TP đã và đang có những quyết sách nhằm từng bước đặt nền móng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Đây chính là lý do để chúng tôi quyết tâm tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất, 2023 và chúng ta cùng nhau có mặt tại đây, trong Hội thảo này”- bà Ngô Thị Kim Yến chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh: “Thông qua Hội thảo, chúng tôi mong muốn được lắng nghe, lĩnh hội kinh nghiệm từ các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam cùng với các chuyên gia quốc tế đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ. Đó thực sự là những kiến thức phong phú, thiết thực để Đà Nẵng tìm ra hướng đi phù hợp, thúc đẩy phát triển điện ảnh địa phương”.

Các đai biểu thảo luận, trao đổi tại Hội thảo (ảnh: Đình Tăng).

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định: “Từ diễn đàn Hội thảo lần này, TP Đà Nẵng mong muốn trong thời gian tới TP sẽ được chào đón nhiều đoàn làm phim trong nước và quốc tế đến để khảo sát và lựa chọn Đà Nẵng là bối cảnh quay phim. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ các đoàn làm phim trong quá trình khảo sát, lựa chọn bối cảnh quay cũng như huy động các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú và ẩm thực, các danh lam thắng cảnh cùng góp sức để tạo nên một cơ chế đôi bên cùng có lợi và một số cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển”.

Theo chương trình làm việc, Hội thảo diễn ra qua 02 phiên thảo luận. Trong đó, phiên 1 có nội dung tập trung khẳng định vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh và tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương. Tại phiên thảo luận này, các diễn giả là ông Hà Vỹ- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao TP Đà Nẵng; bà Lý Phương Dung- Phó cục trưởng Cục điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú- Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam; ông Yoshitaka Sugihara- Giám đốc chính sách công (Netflix Nhật Bản); ông Stephen Jenner- Phó Chủ tịch truyền thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương MPA (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ) và bà Ngô Thị Bích Hạnh- Tổng Giám đốc Công ty  BHD đã đưa ra nhiều nhận định, khuyến cáo, đề xuất liên quan đến các vấn đề như: Điện ảnh giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương; điện ảnh góp phần thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch; điện ảnh phát triển góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển, nhất là hạ tầng, khách sạn, vận tải, ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim…

Trong khi đó, ở phiên 2 có nội dung xây dựng môi trường làm phim tại Đà Nẵng- Kinh nghiệm trong nước và quốc tế, các diễn giả là bà Lê Thanh Tùng- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng; NSND Huỳnh Hùng- Uỷ viên Ban Chấp hành Hội điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao TP Đà Nẵng; ông Nguyễn Trinh Hoan- Tổng Giám đốc Công ty  HK Film; ông Franck Priot- Cựu Giám đốc điều hành của Film France Uỷ ban điện ảnh Pháp; ông Francis Smith- Nhà sáng lập Công ty IFA Media Singapore đã đưa ra nhiều vấn đề có liên quan như: Điều kiện và mô hình phát triển công nghiệp điện ảnh địa phương; kinh nghiệm quốc tế về chính sách ưu đãi cho sản xuất phim như ưu đãi thuế, hoàn thuế, các hỗ trợ của địa phương cho đoàn làm phim; chính sách địa phương hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển tài năng điện ảnh; thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế tới Đà Nẵng….

Theo các đại biểu, với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng cũng như các đại phương trong cả nước nói riêng, sau khi Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Điều đáng nói là khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa được Luật vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp nhằm phát huy năng lực sáng tạo của các nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành phim, phát triển thị trường điện ảnh. “Chung bối cảnh đó, Đà Nẵng hiện đang “chật vật” trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách này”- theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị kim Yến.

Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo (ảnh: Đình Tăng).

Còn theo bà Lý Phương Dung- Phó cục trưởng Cục điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) thì, một nội dung rất quan trọng được Luật Điện ảnh đề cập là Chương ưu đãi để quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh có đề cập đến những ưu đãi về thuế. Vì vậy, khi Đà Nẵng triển khai Luật này cần lưu ý vận dụng để xây dựng môi trường làm phim tại địa phương phù hợp. “Phải hiện thực hoá quy định của Luật Điện ảnh một cách cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh mà chính quyền và ngành chức năng TP đang quan tâm, mong muốn. Từ đó sẽ giúp TP có thêm các chính sách mới góp phần xây dựng nền điện ảnh của TP phát triển”- bà Lý Phương Dung- Phó cục trưởng Cục điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chia sẻ.

Ở góc độ từ những thành công của Netflix Nhật Bản, ông Yoshitaka Sugihara- Giám đốc chính sách công của Tập đoàn này sau khi giới thiệu những mô hình, cách làm mà ông và đồng nghiệp đã tham khảo, tìm hiểu, áp dụng từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho rằng: Ngôn ngữ điện ảnh có sức mạnh và tính lan toả vô cùng to lớn. Thông qua điện ảnh để có thể mang hình ảnh, nền văn hoá của địa phương, đất nước đến với toàn thế giới và ngược lại, cũng qua điện ảnh, khán giả Việt Nam hay tại Đà Nẵng cũng có thể xem phim, hiểu và biết về đất nước, con người ở nơi khác trên thế giới. “Đặc biệt hiện nay, với thành tựu của công nghệ và Internet, mọi người ở đâu cũng có thể học hỏi, trải nghiệm và là cầu nối để đưa thế giới xích lại gần nhau. Trong điều kiện đó, việc Đà Nẵng có thể học cách làm phim hay hợp tác với nước ngoài để làm phim là không khó. Có thể điển hình vài ví dụ như: Người Đà Nẵng có thể giới thiệu về văn hoá, các nét đặc sắc khác của đất và người Đà Nẵng để các đoàn làm phim khi đến địa phương để làm phim. Hoăc người Đà Nẵng cũng có thể tham gia vào các vai diễn của các đoàn làm phim từ các nước khác đến lấy bối cảnh, dựng phim tại Đà Nẵng. Đối với chính quyền TP, vai trò “cầu nối” trong điện ảnh có thể được thể hiện qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn phim hoàn thành bộ phim khi tiến hành quay, dựng phim trên địa bàn TP và ngươc lại, các đoàn làm phim cũng có thể trao đổi, giúp Đà Nẵng học tập kinh nghiệm, kỹ năng làm phim của họ khi họ đến Đà Nẵng”- ông Yoshitaka Sugihara chia sẻ.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Stephen Jenner- Phó Chủ tịch truyền thông khu vực Châu Á Thái Bình Dương MPA (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ) thì cho rằng, Đà Nẵng đang phát triển ngành công nghiệp Điện ảnh. Đây là hướng đi đúng và địa phương cần có chiến lược phát triển đối với điện ảnh cũng như ngành làm phim. “Muốn có một nền điện ảnh phát triển, chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về thuế rất quan trọng, tác động lớn cho môi trường điện ảnh”- ông Stephen Jenner lưu ý sau khi chỉ ra các mô hình, cách đặ ra các ưu đãi về thuế đối với điện ảnh một số nơi trên thế giới như ở Úc, Anh, Hoa Kỳ…./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực