Xây dựng và phát triển văn hóa, con người vì sự phát triển bền vững

Thứ tư, 24/11/2021 14:29
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Đây sẽ là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII

Văn hóa hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc

​Xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam

Toàn cảnh Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021

Khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá thúc đẩy sự phát triển đất nước

Khẳng định vai trò của văn hóa trong việc phát triển nhanh và bền vững đất nước

Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa

Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động.Văn hoá đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện “lệch chuẩn” trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa… Đời sống văn hóa, tinh thần ở một số nơi còn đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa chậm được rút ngắn; chưa có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn. Cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa vốn rất phong phú, giàu có của Việt Nam thành sự đa dạng, giàu bản sắc và có khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn thiếu đồng bộ. Một hệ sinh thái thực sự để các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như tạo ra sự cân bằng, đa dạng và bền vững hơn cho nền kinh tế chưa đủ điều kiện để hình thành. Thể chế về văn hóa đang trong quá trình từng bước hoàn thiện, công tác cán bộ của Ngành văn hóa nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng nói riêng còn có sự bất cập.

Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, trong thời gian tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực, tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 trước hết là ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa: Làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Thứ hai, xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa .

Thứ ba, định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thứ tư, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Thứ năm, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Thứ sáu, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai.

Mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa.

Dưới sự Lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự đồng thuận của Nhân dân bởi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng và kỳ vọng sau Hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Đảng bộ Hà Nội quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định: Trong 35 năm đổi mới, Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, là thành phố đi đầu cả nước trong việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là kỳ đại hội thứ tám sau đổi mới (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ Thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Cụ thể, nhận thức về vị trí của văn hóa trong xã hội được phát triển qua từng giai đoạn.

Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô”; đồng thời xác định khâu đột phá: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.

 Các đại biểu tham dự hội nghị

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô, Thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa bảo đảm tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, với những nhóm nội dung trọng tâm. Theo đó,  tập trung nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền của Thành phố; Định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, trường học, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình; Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; Phát huy tối đa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang ấy, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thủ đô, xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, sáng tạo, vừa phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những cơ hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là nguồn lực từ niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí, ý chí và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển nhanh, bền vững Thủ đô.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa

Theo PGS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội: Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa.

Trước hết, đó là những trở ngại trước các thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. Suy cho cùng, thói quen này cũng là biểu hiện của những tàn dư lịch sử, nằm trong di tồn văn hóa. Nếu không có nhận thức thật sâu sắc để có biện pháp khắc phục hữu hiệu thì đây là một cản trở lớn cho sự phát triển. Trong thời đại ngày nay, người ta trù liệu trước cho sự phát triển ít nhất là vài chục năm.

Một trong những hạn chế lớn khác của di tồn văn hóa có hại cho sự phát triển là tâm lý bình quân cào bằng. Đây là sản phẩm của cơ cấu kinh tế - xã hội nông nghiệp - công xã. Trong lịch sử, sự bình đẳng làng xã, sự phân hóa xã hội không mấy sâu sắc đã từng đóng vai trò quan trọng cho sự cố kết/đoàn kết cộng đồng. Quan niệm “dàn hàng ngang mà tiến” hay “xấu đều hơn tốt lợi” đôi khi là những yếu tố cần thiết để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, mặt trái chính là tâm lý ghét sự vượt trội - một biểu hiện của tâm lý bình quân. Trong phát triển nói chung, đây là yếu tố có sức cản vô cùng mạnh mẽ... 

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ như tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.

Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hiến lâu đời và rực rõ, có truyền thống dựng nước và giữ nước vô cùng vẻ vang. Lịch sử đã để lại cho chúng ta một truyền thống hào hùng và gắn với nó là vô vàn những di tích quý giá. Tuy nhiên, đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả. Phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế. Thế giới hiện đang có rất nhiều kinh nghiệm làm sống dậy di sản văn hóa, khai thác di sản như những tài nguyên góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu

NSND Trịnh Thúy Mùi, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định: Thực hiện tốt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 BCH TW Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nền văn nghệ hiện đại Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỉ 21 đã có nhiều thành tựu trong hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đi sâu vào việc tuyên truyền nghị quyết của đảng, đã tác động đến tư tưởng tình cảm và làm thay đổi nhận thức để hoàn thiện về nhân cách con người. Điều ấy chứng tỏ, các chủ thể là văn nghệ sĩ đã và đang thực hiện thắng lợi đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, để hoạt động sân khấu vượt qua khó khăn, thách thức, NSND Trịnh Thúy Mùi cho rằng, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống ,giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả và chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách”,vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật.

Một trong những đề án cần được quan tâm nhất của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là Đề án cho chiến lược phát triển nghệ thuật sân khấu, bằng cách“Giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong các trường học” nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng, đào tạo thế hệ khán giả trẻ của sân khấu. Đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà cho giới trẻ, vừa có tác dụng đào tạo định hướng khán giả chung cho nghệ thuật sân khấu.

Cùng với đó, Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật ” để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập tạo sự công bằng bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội. 

Vì sự thôi thúc khẩn thiết của đòi hỏi xã hội, nên sân khấu phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại nhằm tổ chức đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động vấn đề đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đề tài chính luận về thế sự, mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng, của Đảng. Những tác phẩm này rất cần Đảng và nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vở diễn được biểu diễn trong các trường Đảng, các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân để cán bộ đảng viên phải là người học tập và thẩm thấu trước tiến, nhằm thực hiện quyết tâm lớn của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, để nghệ thuật góp phần tích cực nhất vào việc “phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam” vượt qua những thách thức trong quá trình đưa đất nước phát triển và hội nhập quốc tế...

Hội nghị sẽ tiếp tục làm việc trong buổi chiều!

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực