Thứ tư, 02/08/2023 15:14 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Thứ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 2024/QĐ-BVHTTDL về tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch".
|
Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch. |
Thời gian tổ chức Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra vào Quý III, IV năm 2023 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Người Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam; sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Đây là một trong các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người ở nước ta.
Năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2579/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người.
|
Người phụ nữ Lự rất khéo léo trong việc canh cửi. |
Theo kế hoạch, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự ở huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Trong đó, có hai chương trình bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm; hai chương trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian, hai chương trình bảo tồn, phát huy tập quán xã hội, một chương trình bảo tồn, phát huy Tết cơm mới và một chương trình bảo tồn, phát huy trò chơi dân gian. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Lự đến du khách trong và ngoài nước; tuyên truyền về mô hình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; xuất bản, phát hành ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền về văn hóa truyền thống của dân tộc Lự.
Trong các nghề truyền thống của đồng bào Lự, nghề dệt là phát triển nhất. Người phụ nữ Lự rất khéo léo trong việc canh cửi, trang phục của họ cũng rất cầu kỳ, nổi bật nhiều hoa văn trên sắc chàm đen…
T.L