Bình Thuận: Chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả tích cực

Thứ ba, 09/11/2021 14:20
(ĐCSVN) - Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 -2020 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn.

Theo chính quyền tình đã đầu tư các hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tập trung… gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, bố trí nguồn vốn hợp lý để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND tỉnh và Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế. ( Ảnh: Thanhnien.vn)

Nhiều công trình giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất và các công trình bức xúc của nhân dân được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận . Từ năm 2018 - 2020 toàn tỉnh Bình Thuận có 953 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, như xây dựng chuồng trại, con giống; hỗ trợ mô hình trồng cây lương thực, cây ăn quả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… với tổng kinh phí là 13.715 triệu đồng. Nhiều hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật cũng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm kiến thức ứng dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bằng các giải pháp tích cực lồng ghép các chính sách của Trung ương và địa phương trong những năm qua, công tác xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bình Thuận đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm so với cùng kỳ năm; năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 13,43%, đến năm 2020 chỉ còn chiếm tỷ lệ 6,96%.

Tính đến nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh có đường giao thông được nhựa hóa đến trung tâm xã; một số cầu qua sông, suối lớn được cứng hóa bằng bê tông; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản và giao lưu đi lại giữa các vùng; 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, với 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có trụ sở làm việc được xây dựng kiên cố.

Có thể nói, các dự án, chương trình giảm nghèo đã được UBND tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, do đó hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao đời sống của người dân, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương./.

Lê Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực