Đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG để phát triển KTXH cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ năm, 09/09/2021 10:19
(ĐCSVN)- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng chủ trì buổi làm việc về chuẩn bị nội dung báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Chương trình MTQG).
 Buổi làm việc

Dự thảo báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Chương trình MTQG của Chính phủ do ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG trình bày cho biết: Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã khắc phục những thách thức lớn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG đã có một số những kết quả nổi bật: Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban hành kế hoạch công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương để tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Chương trình MTQG.

Nội dung của Chương trình MTQG bảo đảm đúng theo chủ trương, định hướng của Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG. Các bộ, ngành và địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình MTQG.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương, Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình MTQG; có phương án cân đối đủ hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54.000 tỷ vốn chi thường xuyên cho các Dự án, Tiểu Dự án của Chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình MTQG vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình MTQG có sự chậm chễ nhất định, đặc biệt là tiến độ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt đầu tư Chương trình. Các Dự án, Tiểu dự án và nội dung của Chương trình MTQG rất đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức triển khai trong khi quy mô các công trình, các nội dung chính sách lại nhỏ, được quy định với nhiều định mức, nhiều chính sách khác nhau dẫn tới những thách thức trong quá trình tổng hợp, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình.

Đội ngũ cán bộ cơ sở hạn chế về năng lực, thiếu đồng bộ về trang thiết bị phục vụ công việc kết hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn có nhiều chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu... Vì vậy quá trình giải ngân thực hiện các nội dung đầu tư của Chương trình tại các địa phương dự kiến sẽ gặp nhiều thách thức.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Dự thảo báo cáo cho biết: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nặng nề do dịch bệnh tác động, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên định thực hiện linh hoạt, hài hòa mục tiêu quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân kết hợp với ưu tiên phát triển KT-XH, đặc biệt chăm lo thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, sớm hoàn thành phê duyệt Chương trình MTQG trong quý III/2021.

Tại buổi làm việc, bà Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đã báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ báo cáo Chính phủ 1 năm thực hiện Chương trình MTQG. Theo đó, Thường trực HĐDT cơ bản thống nhất với Dự thảo Báo cáo Chính phủ về nội dung kết quả 1 năm thực hiện Chương trình MTQG. Thường trực HĐDT đề nghị UBDT, Chính phủ phân tích, làm rõ, rà soát địa bàn và đối tượng thụ hưởng theo địa bàn khi thực hiện phân định vùng theo trình độ phát triển; về nguyên tắc, định mức phân bổ nguồn vốn.

Với các kiến nghị của Chính phủ, Quốc hội đồng ý với việc Chính phủ huy động vốn ODA, vốn ưu đãi cho Chương trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo điều hành, tránh chồng chéo 3 Chương trình MTQG; sớm có phương án đề xuất giải quyết vốn năm 2021. Cần lưu ý việc tích hợp chính sách, phân công phân nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò cơ quan công tác dân tộc; chủ động bổ sung các tài liệu để HĐDT trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá mặt được và chưa được trong thực hiện Chương trình MTQG; trong đó có việc phối hợp giữa UBDT với các bộ, ngành, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong ban hành các văn bản chính sách, các quyết định quan trọng như nguyên tắc phân bổ vốn; hướng dẫn triển khai các dự án thành phần; đánh giá mức độ chuẩn bị, tiến độ hoàn thành của các bộ ngành, liên quan. Các đại biểu cho rằng cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG; các vấn đề ưu tiên, vấn đề bức xúc với lộ trình bảo đảm tính khả thi. Cần nêu được nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu HĐDT của Quốc hội và khẳng định tinh thần quyết tâm cao nhất bảo vệ cao nhất quyền lợi cho đồng bào DTTS từ việc thực hiện Chương trình MTQG. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của HĐDT của Quốc hội trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG. Đồng thời giải trình, chia sẻ những khó khăn thực tế trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình MTQG trong thời gian qua; như việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển; việc báo cáo đánh giá tác động của Chương trình MTQG… Bộ trưởng, Chủ nhiệm giao các cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện báo cáo; xây dựng phụ lục kèm theo báo cáo; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm yêu cầu báo cáo của Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan trong việc thực hiện Chương trình MTQG, bảo đảm đầy đủ, trọn vẹn, hoàn thiện sớm. Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ tin tưởng báo cáo của Chính phủ về Chương trình MTQG sẽ được thực hiện hiệu quả, bảo đảm yêu cầu.

XH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực