|
Đình thần Tân Bằng được xây dựng đầu thế kỷ XIX. ( Ảnh: Sở VHTTDL Cà Mau) |
Đình thần Tân Bằng hay còn có tên gọi khác trong dân gian là Đình thần Tân Bình thuộc xã Tân Bằng, Thới Bình, Cà Mau. Xưa ngôi đình này thuộc thôn Tân Bình – một trong 19 thôn thuộc huyện Long Xuyên, tổng Tân Thủy – Cà Mau.
Tên gọi của ngôi Đình bấy giờ đặt theo tên của thôn làng, được ghi lại trong sắc Thần do vua Tự Đức Ngũ niên (1852) sắc phong "Đình Thần Tân Bình", nhằm để chỉ Đình thần ở địa danh Thôn Tân Bình. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đã đặt lại tên gọi và địa giới hành chính, trong đó thôn Tân Bình được đổi tên thành thôn Tân Bằng. Từ đó, Đình thần cũng được đổi tên theo tên địa danh mới là Đình thần Tân Bằng.
|
Bên trong chánh điện Đình thần Tân Bằng. ( Ảnh: Sở VHTTDL Cà Mau) |
Theo những bậc cao niên trong vùng, Đình thần Tân Bằng được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Hai nhân vật có công khai khẩn vùng đất này là ông Nguyễn Văn Cáng và Lê Văn Ngãi, vốn là bộ tướng dưới trướng của vua Gia Long - Nguyễn Ánh. Khi những cư dân đầu tiên cùng hai ông Nguyễn Văn Cáng và ông Lê Văn Ngãi ổn định sinh sống, an cư lạc nghiệp tại vùng đất này, để đáp ứng nhu cầu làm phong phú thêm đời sống tinh thần, văn hóa - tín ngưỡng, đã cùng nhau xây dựng ngôi đình.
Ngoài việc có công khai khẩn vùng đất mới, hai ông còn có nhiều công lớn trong việc giúp đỡ dân trong thôn (dạy học, chữa bệnh, xây dựng đình và hướng dẫn các lễ nghi …) nên được nhân dân kính trọng và tôn là hai vị Tiền hiền của thôn.
Buổi đầu sơ khai, đình làng được dựng lên rất đơn sơ bằng nguyên vật liệu tại chỗ như cây lá có sẵn, không gian nhỏ hẹp. Về sau, đình được bà con chung sức đóng góp xây dựng lại bằng bê tông và mái lợp ngói, trở thành điểm sinh hoạt văn hóa và thực hành tín ngưỡng của người dân địa phương.
|
Bàn thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh. ( Ảnh: Sở VHTTDL Cà Mau) |
Thời kháng chiến chống Pháp, Đình cũng chính là nơi tụ họp và hoạt động của những người yêu nước trong vùng. Sau đó Đình thần bị Pháp chiếm đóng làm đồn bót Năm 1946, khi quân ta tiêu diệt được đồn Tân Bằng, ngôi đình cũng gần như bị phá hủy hoàn toàn. Về sau, người dân địa phương đã phục dựng lại ngôi đình, trải qua nhiều lần trùng tu, đình thần Tân Bằng được xây dựng khang trang như hiện nay, nằm bên dòng sông Trèm Trẹm hiền hòa, rất thuận tiện cho việc thờ cúng, tín ngưỡng của người dân địa phương.
Hàng năm, lúc mùa màng thu hoạch xong, bà con nhân dân cùng Ban Quản trị Đình cùng tổ chức lễ Kỳ Yên vào ngày 23, 24 tháng 3 âm lịch để ghi nhớ công ơn của các bậc thánh hiền đã có công xây dựng, gìn giữ, bảo vệ thôn làng. Lễ Kỳ Yên được tổ chức trang trọng trong hai ngày với nhiều nghi lễ theo đúng phong tục, tập quán của người Việt. Ngoài ý nghĩa ghi nhớ công ơn của những người đi trước, lễ Kỳ Yên cũng là dịp để những vị cao niên trong vùng nhắc nhở, truyền dạy cho lớp trẻ kế thừa những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của làng quê mình và trân trọng gìn giữ, lưu truyền lại cho thế hệ tương lai những phong tục, tập quán tốt đẹp./.