Khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá Di sản văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ

Thứ tư, 11/10/2023 19:56
(ĐCSVN)- Để có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng phương án tu sửa cấp thiết phần móng và tường thành đá di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng đã ký Quyết định 3619/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch khai quật khảo cổ khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá Di sản văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc.
Thành nhà Hồ. 

 

Mục đích khai quật nhằm làm rõ sự khác biệt của 2 loại kết cấu móng tường thành đã tìm thấy tại khu vực Dự án Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (Dự án); Làm rõ kết cấu các loại móng và cách thức gia cố móng tường thành đá di sản thế giới Thành Nhà Hồ của người xưa, tạo cơ sở để tu sửa phần móng theo nguyên gốc; Cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cho việc xây dựng phương án tu sửa cấp thiết phần móng và tường thành đá di sản thế giới Thành Nhà Hồ, phục vụ cho triển khai Dự án. Quy mô, diện tích khai quật khoảng 60 m2, gồm 6 hố tại vị trí đoạn tường thành - 15 m tường thành phía Đông Bắc, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.

Dự án Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5049/QĐ-UBND ngày 25/11/2020. Sau khi Dự án được phê duyệt, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (Chủ đầu tư) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tu sửa công trình theo các trình tự và thủ tục của pháp luật hiện hành.

khu vực chân móng sau hạ giải tường thành đá Di sản văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ
 

Sau khi hạ giải tường thành và chân móng tại vị trí sạt lở, đã xuất lộ 2 đoạn móng (có tổng chiều dài khoảng 15m) với kết cấu khác nhau: Đoạn 8,7m có đá lót chân móng và đoạn 6,3m không có đá lót chân móng. Đối chiếu với kết quả khai quật khảo cổ học năm 2018 thì có sự sai khác.

Để có cơ sở triển khai thực hiện dự án ở giai đoạn tiếp theo, cần thiết phải tiến hành khai quật khảo cổ học để làm rõ kết cấu và cách thức gia cố móng chân tường thành sau khi hạ giải, so sánh sự khác biệt với kết quả khảo cổ học trước đó. Tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án gia cố móng theo nguyên gốc; làm cơ sở cho đơn vị thi công tiến hành bảo tồn, gia cố phần móng đảm bảo đúng theo theo quy định. Đồng thời, việc gia cố phần móng cho phép tính toán kết cấu chịu lực gia cố phần móng ở khu vực bên dưới; tạo cơ sở cho đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng phương án gia cố khu vực tường thành bên trên.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực