Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ tư, 02/08/2023 16:49
(ĐCSVN) - Ngày 2/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An tại thành phố Dĩ An.

Đình thần Dĩ An nằm trên địa bàn khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đình được vua Tự Đức ban sắc phong thờ Thành hoàng Bổn cảnh; Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 2/2023. Việc tổ chức lễ công bố thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các nghệ nhân và bậc tiền nhân, qua đó tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng về di sản văn hóa, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, khích lệ cộng đồng tự nguyện tham gia bảo vệ di sản.

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Hàng năm, đình Dĩ An có nhiều lễ cúng, trong đó “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”. Trong văn hóa dân gian Nam Bộ, Kỳ yên được xem là lễ tế Thành hoàng lớn nhất trong năm. Lễ Kỳ yên của đình làng Nam Bộ được hiểu theo khẩu ngữ Nam Bộ là lễ cúng đình. “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” được tổ chức vào ngày 15 và 16/11 âm lịch hàng năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu.

Đặc trưng của lễ hội có nghi thức xây chầu, hát bội phục vụ người dân tham dự lễ hội. Theo nhà văn Sơn Nam, xây chầu, hát bội phải có trong các đình thần Nam Bộ vào dịp Kỳ yên đáo lệ. Bên cạnh những nghi thức quen thuộc, phổ biến như cúng Tiền hiền, Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả… có nhiều nghi lễ ít phổ biến như nghi lễ chiêu vong, chiêu u, lễ tế Ngọc Hoàng, lễ đọc kinh cầu an, lễ an vị và các nghi thức cúng Ngũ Hành Nương nương (múa hát bóng rỗi, an vị các Bà)…

“Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. 

Lễ hội là dịp để người dân địa phương thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp được hình thành từ những ngày đầu đến vùng đất này khai hoang lập ấp.

Hiện nay, Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An về cơ bản còn giữ được đầy đủ các giá trị truyền thống và các nghi thức được gìn giữ, thực hành, trao truyền, qua nhiều thế hệ. Tỉnh Bình Dương đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh nói chung.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt; 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp, Nghề gốm Bình Dương, Võ lâm Tân Khành Bà Trà, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An và Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An.

N.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực