Lễ Pơ Thi trong bức tranh văn hóa Gia Rai

Thứ hai, 10/06/2024 13:05
(ĐCSVN) – Sinh sống lâu đời trên vùng đất tỉnh Gia Rai, dân tộc Gia Rai hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa lâu đời phong phú và đặc sắc, trong đó Lễ bỏ mả là một nghi lễ dân gian tiêu biểu phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng người Gia Rai.

Lễ Pơ Thi (bỏ mả) - nghi thức tiễn đưa linh hồn người đã khuất về với thế giới của Yàng (trời), một trong những lễ hội lâu đời, lớn nhất của người Gia Rai, in đậm dấu ấn văn hóa tín ngưỡng. Theo già làng Ak, dân tộc Gia Rai: Người Gia Rai rất trọng tình cảm, làm gì cũng muốn đi hai người. Khi đi làm rẫy, vợ mang gùi, chồng mang cuốc, cùng đi làm, cùng về nhà, cùng lo cái ăn cái mặc cho con cái. Nếu không may một người chết đi, người kia để tang từ 1 đến 3 năm, người nhà không được mặc áo mới, không dùng đồ tốt, không đi chơi. Đó là luật tục trong cộng đồng người Gia Rai rất coi trọng. Chỉ khi làm lễ bỏ mả xong thì mới xem như mãn tang...

Để thể hiện nghĩa tình sâu nặng với người đã khuất, đồng bào Gia Rai vào rừng lấy gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh mang về dựng nhà mồ và phân chia tài sản, đồ vật quý cho người đã chết. Để tiến hành lễ bỏ mả, dân làng chọn một già làng, ông là người có uy tín với bản làng, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi Lễ.

Đoàn tham gia đưa tiễn người đã khuất gồm những người đánh khiên, đánh trống, cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối… Khi những màn cồng chiêng cổ truyền tấu lên rộn rã, tất cả mọi người dự lễ đứng dậy và bắt đầu màn trình diễn múa hát dân gian tiễn đưa người đã khuất. Trai tráng người Gia Lai bôi bùn đất, đeo mặt nạ hoá trang thành Bram để đón linh hồn người đã khuất về với tổ tiên. Phụ nữ thì múa vòng quanh nhà mồ theo tiếng nhạc. 

 Điệu múa dân gian đón linh hồn người đã khuất về với tổ tiên bên nhà mồ.

Trong vai trò chủ lễ, già làng thực hiện nghi lễ, đổ rượu vào xâu rượu cho thấm xuống đầu nấm mộ và đọc lời khấn với nội dung thể hiện sự lưu luyến, chia tay người thân đã khuất. Sau khi cúng xong người thân của gia đình vào nhà mồ đọc lời cúng bỏ mả và khóc than lần cuối với người đã khuất.

Theo phong tục người Gia Lai, lễ bỏ mả thường diễn ra trong 3 ngày. Đêm nào người nhà cũng ra nhà mồ để thức canh. Đến đêm cuối cùng, lễ bỏ mả trở thành một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Cùng các nghi thức lâu đời, Lễ Pơ thi là hoạt động tổng hòa các loại hình diễn xướng dân gian, cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc hay các bài ca cổ có ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Gia Lai.  

Trong bối cảnh hiện nay, sự giao thoa tiếp biến văn hóa diễn ra ở các vùng miền, dù trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử nhưng đồng bào Gia Rai ở tỉnh Gia Rai, vẫn giữ được sắc thái văn hóa riêng của mình, qua đó gìn giữ bản sắc dân tộc Gia Rai, đồng thời góp phần vào sự đa dạng trong một thể thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Tin, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực