|
Một phân cảnh tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Ảnh: TTXVN |
Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, nhằm phát hiện những tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, phương pháp sáng tạo, từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế của mỗi đơn vị.
Liên hoan lần này có 14 đơn vị (gồm các đơn vị nghệ thuật Kịch nói chuyên nghiệp công lập, ngoài công lập, là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động liên tục trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật Kịch nói từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia Liên hoan; các đơn vị nghệ thuật Trung ương thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các đơn vị nghệ thuật địa phương), với 20 vở diễn cùng hơn 600 nghệ sỹ, diễn viên tham gia.
Quy định không hạn chế về đề tài đối với vở diễn tham gia Liên hoan, đồng thời khuyến khích các vở diễn hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; hưởng ứng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Vở diễn tham gia Liên hoan chấp hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ "Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn".
Các vở diễn tham gia Liên hoan sẽ được Livestream trực tiếp trên Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và từng bước khôi phục để đưa cuộc sống về bình thường mới. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các văn nghệ sỹ đã luôn nỗ lực chung tay tạo nên những liều "vaccine tinh thần" để cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Liên hoan Kịch nói lần này tại thành phố Hải Phòng diễn ra trong không khí kỷ niệm 100 năm Kịch nói Việt Nam, một loại hình nghệ thuật luôn bám sát hơi thở của cuộc sống, đây là cơ hội để các nghệ sỹ có dịp phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp mà nhiều thế hệ nghệ sỹ tiền bối đã gây dựng nên.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị, các nghệ sỹ về dự Liên hoan đem hết tài năng để thực hiện tốt nhất những thành quả lao động nghệ thuật trong thời gian qua; Hội đồng nghệ thuật là những Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, những cá nhân có uy tín trong hoạt động nghệ thuật công tâm, khách quan lựa chọn ra những vở diễn hay nhất, những diễn viên tài năng để tôn vinh tại Liên hoan.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc Việt Nam; là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Những năm qua, cùng với những thành tựu phát triển đột phá trên các lĩnh vực, Hải Phòng là địa phương bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của các loại hình nghệ thuật truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Hải Phòng cũng là cái nôi ra đời đầu tiên và sớm nhất của miền Bắc và cả nước đối với loại hình sân khấu Kịch nói. Kịch nói Hải Phòng với thương hiệu "Một trong 5 anh cả đỏ" của sân khấu Kịch nói Việt Nam.
Việc đăng cai tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc đã tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng thành phố quốc tế, một thành phố Cảng Hiện đại - Thông minh - Bền vững; là cơ hội lớn để Hải Phòng tiếp cận, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với bạn bè khu vực, trong nước và quốc tế.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra đến ngày 16/11/2021.