Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc ở Kon Tum

Thứ sáu, 10/05/2024 08:17
(ĐCSVN) – Vừa qua, tại Kon Tum, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm (2021- 2023) thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
 Quang cảnh Hội nghị sơ kết. 

Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum cho biết, nội dung thay đổi nếp nghĩ, cách làm rất đa dạng; trong đó, địa phương tập trung cho hoạt động sản xuất. Sản xuất tốt, doanh thu có, nguồn thu cao sẽ giúp người dân thoát nghèo. Mô hình của Cuộc vận động ở xã, huyện và tỉnh được nhân rộng sẽ làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để cổ vũ người dân vươn lên thoát nghèo, năm 2024, Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, Tỉnh ủy Kon Tum đặt mục tiêu 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; 100% huyện, thành phố thực hiện lồng ghép Cuộc vận động với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tỉnh phấn đấu từ 5% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Địa phương huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động và giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh.

 Cán bộ nữ biên phòng tỉnh Kon Tum tham gia giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Theo Tỉnh ủy Kon Tum, qua 3 năm, Cuộc vận động được triển khai đồng bộ, thường xuyên với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; được các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình, hưởng ứng. Nhờ đó đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp, ngành của đã xây dựng, phát triển 866 mô hình giúp nhau làm kinh tế, cải tạo vườn tạp thu hút gần 10.600 lượt hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số tham gia. Các mô hình đã huy động được hơn 96 tỷ đồng hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật giúp hơn 5.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững; gần 2.700 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Cùng với đó, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu; biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Kon Tum còn hơn 10.200 hộ nghèo, trong đó có hơn 9.700 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 95%); gần 5.900 hộ cận nghèo. Năm 2024, thông qua Cuộc vận động, Kon Tum phấn đấu số hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4% so với năm 2023.

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực