Ngày hội là hoạt động khơi dậy niềm tự hào và lòng biết ơn của đồng bào miền núi Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ kính yêu, khẳng định niềm tin, quyết tâm mãi mãi đi theo Đảng, Bác Hồ của đồng bào các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.
Việc tổ chức Ngày hội cũng nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; đẩy mạnh Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá…
|
Thông qua Ngày hội để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh minh họa) |
Thông qua Ngày hội để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tình đoàn kết và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, góp phần giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế; giới thiệu những tiềm năng du lịch thông qua các hệ thống di tích lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hoá ẩm thực, lễ hội truyền thống, sản phẩm thủ công của đồng bào các dân tộc…
Ngày hội sẽ có sự tham gia của các đơn vị đến từ những địa phương có đồng bào các dân tộc sinh sống như: huyện A Lưới, huyện Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà.
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV - năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng với các hình thức trình diễn dân ca, dân nhạc, dân vũ và trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, sân khấu hóa các lễ hội truyền thống… Hội thi Thể dục thể thao với các môn: bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co...
|
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV - năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc. (Ảnh minh họa) |
Không gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi; cùng hoạt động trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc như: dệt Dèng, đan lát, nhạc cụ...
Sở Văn hóa và Thể thao cùng Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và UBND huyện A Lưới cũng tổ chức các chương trình giới thiệu tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nhằm quảng bá điểm đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Đồng thời, cũng sẽ tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người Cơ Tu (do các nghệ nhân huyện Nam Đông thực hiện); tổ chức các hội thi ẩm thực...
Nhiều hoạt động trưng bày triển lãm, chiếu phim lưu động cũng được tổ chức phục vụ cộng đồng Nhân dân và du khách khi đến du lịch ở A Lưới. Triển lãm “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” trưng bày hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật phác họa chân dung của Bác Hồ từ những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống.
Triển lãm nghệ thuật “A Lưới qua nghệ thuật ký họa” giới thiệu đến công chúng hơn 150 tác phẩm ký họa phản ánh về sắc màu văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu… ở huyện A Lưới.
Hoạt động trưng bày sách chủ đề “Hồ Chí Minh - Tên Người sống mãi với non sông Việt Nam” sẽ trưng bày hơn 700 bản sách và 15 tranh ảnh về Bác Hồ với đồng bào các dân tộc.
Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tổ chức chương trình chiếu phim lưu động về “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, với 5 phim truyện: Hoa ban đỏ; Thầu Chín ở Xiêm; Nhìn ra biển cả; Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông; Nhà tiên tri; cùng các phim tài liệu: Toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ; Hà Nội - Điên Biên Phủ trên không; Địa chấn Điện Biên Phủ; Hồ Chí Minh năm 1946 (phần 1 và phần 2); Nguyễn Tất Thành - Những dấu ấn lịch sử.