Tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới

Thứ sáu, 14/06/2024 08:10
(ĐCSVN) - Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 có sự tham dự của 200 đại biểu là người uy tín đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo thuộc 47 dân tộc thiểu số.

Chương trình do Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 16/6 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội.

Với mong muốn tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo, năm 2018, Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương lựa chọn và biểu dương 163 đại biểu tiêu biểu trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ I. Qua đó, động viên, khích lệ, nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, tiếp tục đóng góp công sức củng cố xây dựng “thế trận lòng dân” nơi phên dậu của Tổ quốc.

Chương trình “Điểm tựa của bản làng”, lần thứ II năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 16/6 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. 

Tiếp nối thành công của Chương trình lần thứ I, Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng”, lần thứ II năm 2024.

Chương trình nhằm mục tiêu tôn vinh và phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo nhằm biểu dương kịp thời những đóng góp hết sức quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đồng thời tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa người uy tín trong cộng đồng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc…

Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 có sự tham dự của 200 đại biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo thuộc 47 dân tộc thiểu số.

Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Ranh, sinh năm 1940 (84 tuổi), dân tộc Hre, trú tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Cao Xuân Long, sinh năm 1996 (28 tuổi), dân tộc Chứt, Trưởng thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo; 7 đại biểu là cán bộ Bộ đội Biên phòng.

Năm 2018, Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương lựa chọn và biểu dương 163 đại biểu tiêu biểu trong Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ I.  

Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 được tổ chức ở quy mô toàn quốc, trang trọng, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, nội dung chương trình đa dạng, phù hợp, chất lượng; có sức lan tỏa xã hội rộng, khơi gợi sự quan tâm của toàn xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo đó, các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo sẽ tham dự các hoạt động gồm: Gặp mặt Chủ tịch nước; Tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9); Tham dự Lễ Tôn vinh trao Giấy chứng nhận và biểu trưng của chương trình. Các hoạt động trong chương trình đều hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, góp phần chăm lo, động viên đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam nơi biên cương, hải đảo của Tổ quốc.

Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt là: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn linh hoạt trong vận động và phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một trong những nhiệm vụ được quan tâm là xây dựng đội ngũ những người có uy tín, già làng, trưởng bản mẫu mực làm cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; là chỗ dựa tin cậy của các cơ quan chức năng.

Hiện nay, cả nước có gần 30.000 người có uy tín trong cộng đồng. Đây là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân; không quản ngại khó khăn, vất vả, người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tham gia giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển; vận động nhân dân xây dựng cộng đồng đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

T.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực