Thứ bảy, 11/11/2023 00:20 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Sự kiện “Sáp ong - Sắc chàm” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, diễn ra ngày 10 – 11/11, giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc của kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông và Dao Tiền ở hai tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng.
Sự kiện trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.
|
Sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" là một trong những hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện. |
Từ nhiều đời nay, người Mông luôn ý thức rất cao trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh. Hoa văn trên vải của dân tộc Mông là những trang ký sử, những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Còn trong số đồng bào dân tộc Dao, duy nhất nhánh Dao Tiền có kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong. Những trang phục truyền thống với các hoa văn như thế đã góp phần tôn vinh giá trị và tạo được dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng trung du miền núi phía Bắc.
Sự kiện "Sáp ong - Sắc chàm" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc của kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào dân tộc Mông và Dao Tiền ở hai tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng. Qua đó, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tập tục tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ cho hoạt động phát triển bền vững cộng đồng dân tộc.
|
Hình ảnh trưng bày tại không gian “Sáp ong - Sắc chàm” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Chương trình có các hoạt động: giao lưu, trò chuyện với các nghệ nhân Mông, Dao Tiền đến từ Hòa Bình và Cao Bằng về câu chuyện bảo tồn, phát huy kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống; triển lãm ảnh "Sáp ong - Sắc chàm" về kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải của đồng bào; trải nghiệm vẽ sáp ong truyền thống trên vải; trải nghiệm mặc trang phục có sử dụng kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống...
Sự kiện không chỉ là câu chuyện văn hóa, mà còn là câu chuyện về bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ; thể hiện sự khéo léo của phụ nữ dân tộc thiểu số, cũng như vị trí, đóng góp của người phụ nữ trong cộng đồng. Đến với sự kiện, công chúng được giao lưu và trải nghiệm vẽ sáp ong cùng các nghệ nhân dân tộc Mông và Dao tiền, lắng nghe những băn khoăn, trăn trở trong việc tìm hướng đi cho sản phẩm, cách phát triển kinh tế từ chính những bản sắc văn hóa riêng có của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, công chúng cũng có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp của kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống thông qua triển lãm ảnh “Sáp ong - Sắc chàm”, mặc thử trang phục truyền thống và lưu lại những giây phút trải nghiệm thú vị trong không gian mang đậm nét văn hóa vùng cao.
K.V