Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922 trong một gia đình khoa bảng tại Nghệ An. Ông học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 14 (1941-1946), là bạn cùng lớp thân thiết với họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám, rồi lên chiến khu Việt Bắc năm 1947. Sau đó ông trở thành giảng viên khóa mỹ thuật đầu tiên của trường do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.
Là một trong "bộ tứ" nổi tiếng của giới hội họa Việt Nam đương đại "Sáng, Nghiêm, Liên, Phái" (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái), họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm luôn được đánh giá là một trong những cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Nam.
Trong suốt 70 năm sáng tạo, ông để lại khối tác phẩm đồ sộ. Tranh của ông thường bắt nguồn từ đề tài dân gian Việt Nam, nhưng đầy sức sáng tạo, phong cách hiện đại, dấu ấn riêng. Tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm được giới mỹ thuật, các nhà sưu tập tranh trong nước và quốc tế ưa thích. Trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng như: Người gác Văn Miếu, Giao thừa bên hồ Gươm, Điệu múa cổ, Thánh Gióng, Con nghé quả thực, Mười hai con giáp, Kim Vân Kiều, Cổng làng Mông Phụ, Đánh cờ dưới bóng tre, Trạm gác, Xuân Hồ Gươm...
Với những cống hiến hết mình cho hội họa, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã được trao hàng loạt giải thưởng lớn, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, Giải thưởng hội họa quốc tế Sophia (Bungari) năm 1983, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam...
Tang lễ của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sẽ tổ chức vào sáng 17/6 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.