Độc đáo làng kèn Phạm Pháo

Thứ ba, 05/04/2016 17:48
(ĐCSVN) - Ở làng quê Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định), hầu như nhà nào cũng có người biết nhạc lý và chơi thành thạo kèn Tây (kèn đồng). Người Phạm Pháo yêu kèn Tây đến mức đã thành lập đội kèn có quy mô hoành tráng nhất cả nước và tự làm được loại nhạc cụ này bán đi các vùng miền trên cả nước.


Đội kèn Phạm Pháo với hơn 700 nhạc công. (Ảnh: An Luých)

Đội kèn hơn 700 nhạc công

Theo các cụ cao niên ở Phạm Pháo, từ đầu thế kỷ XVIII, nhiều người nông dân ở đây đã biết chơi kèn Tây. Trong đó, cụ Biên được coi là người chơi kèn sớm nhất nhì làng. Người nọ dạy cho người kia, dần dần khắp trong làng đâu đâu cũng có người chơi được loại nhạc cụ này, cả 10 thôn trong làng thì mỗi thôn đều có một đội kèn phục vụ các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, cưới hỏi…tại khu dân cư. Sau đó, để gắn kết cộng đồng, xây dựng quê hương qua các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, các đội kèn đã hợp nhất lại làm một với tên chung là đội kèn Phạm Pháo.

Lúc mới hợp nhất, đội kèn đã có 500 nhạc công. Con số này cứ tăng dần, đến nay đội kèn Phạm Pháo đã có tới 750 nhạc công. Tất cả 750 nhạc công đều chơi tốt, đến mức cùng chơi chung một bản nhạc nhưng rất đồng điệu, không hề có chuyện lỡ nhịp sai phách. Điều đó thể hiện trình độ điêu luyện của nhạc công kèn đồng Phạm Pháo.

Đội kèn đã phục vụ tại các sự kiện lớn như: mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện; lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ; lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng… Nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp, người sành nhạc chứng kiến đã thừa nhận sự điêu luyện của những nhạc công nơi vùng quê này. Chơi kèn rất chuyên nghiệp nhưng các nhạc công lại không được đào tạo chuyên nghiệp trong trường lớp nào. Hầu hết các tay kèn, tay trống trong đội đều là nông dân, hoặc những người làm nghề tiểu thủ công. Ban ngày chân lấm tay bùn, tay cưa tay đục nhưng tối đến họ lại bên chiếc kèn tập những nốt nhạc trầm bổng. Âm nhạc, tiếng kèn đã thấm vào tâm hồn người dân Phạm Pháo ngay từ nhỏ, nên họ học rất nhanh. Thường chỉ sau 6 tháng học là họ đã chơi được thành thục nhiều bản nhạc và sau một thời gian tham gia cùng các đàn anh, là đã có thể gia nhập đội kèn Phạm Pháo.

Hiện Phạm Pháo có khoảng 1.500 người biết nhạc lý và 1.000 người có thể chơi thành thạo kèn Tây, trong đó có 7 người thuộc thế hệ trẻ đã tốt nghiệp các trường nhạc, góp phần nâng cao trình độ cho các nhạc công.

Người quê tự làm kèn Tây

Không chỉ chơi thành thạo kèn Tây, người Phạm Pháo còn tự sản xuất được đủ bộ nhạc cụ này. Các cơ sở làm kèn ở Phạm Pháo chẳng có thiết bị máy móc nào hiện đại, ngoài chiếc máy cán đồng và máy hàn, vậy mà những người dân quê nơi đây vẫn làm được thứ nhạc cụ vốn chỉ ở “bên Tây” mới làm được.

Gia đình ông Nguyễn Cường nổi tiếng ở Phạm Pháo với nghề làm kèn Tây. Ông không chỉ làm kèn mà còn thành thạo nhạc lí, kỹ năng chơi kèn Tây. Ông đã đi dạy cho rất nhiều đội kèn trong và ngoài tỉnh. Đến nay, gia đình ông Cường đã có 3 đời làm kèn Tây. Anh em và các con ông đều biết làm loại nhạc cụ này. Trong căn nhà cổ xưa của ông, kèn treo khắp chốn, từ trên tường đến xà nhà, dưới đất, đâu cũng đụng thấy kèn. Ông Cường cho biết, nét riêng của nghề làm kèn đồng ở Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều làm thủ công. Chỉ những chiếc kèn đồng lớn mới dùng đến máy tiện, máy uốn thủy lực để định hình. Còn lại các công đoạn đánh bóng, tạo âm và các chi tiết kỹ thuật cao đều được làm bằng đôi tay tài hoa, tỉ mỉ của người thợ.

Mỗi chiếc kèn có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím đòi hỏi kín như chiếc xi lanh nhưng phải nhẹ nhàng, trơn tru dễ bấm. Chung quy lại, các loại kèn đồng đều giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc. Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất là chế tạo quả pháo, bộ phím. Vì vậy, người chế tạo bộ pháo ngoài đôi tay tài hoa còn phải có kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là phải có đôi tai “đọc” được nhạc. Thợ kèn Phạm Pháo đã làm thành thạo  kỹ thuật đó và tất cả các kỹ thuật khác một cách chính xác.


Cơ sở làm kèn nhà ông Nguyễn Cường. (Ảnh: An Luých)

Ông Cường khẳng định, kèn do gia đình ông làm có độ chuẩn âm tốt. Đôi tai “đọc” được nhạc của những người thợ cùng với việc kiểm tra lại bằng bộ thẩm âm chuyên nghiệp đều cho kết quả rất chuẩn. Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh, trong khi giá thành chỉ bằng 1/3, 1/4 so với kèn nhập khẩu. Vì vậy, kèn Tây Phạm Pháo đã được nhiều khách hàng ở các vùng miền khác nhau trong cả nước đặt mua. 5 năm trước có khách từ Đức về thăm đã kiểm tra chất lượng âm rồi đặt hàng ông Cường một số loại kèn Tây để mang về nước. Trong số kèn Tây Phạm Pháo có chiếc kèn Hê lơ Công là cho âm trầm hoành tráng nhất. Nhạc công phải có chiều cao, sức khỏe mới sử dụng được nó. Chiếc này có giá từ hơn 20 triệu đồng, trong khi nếu nhập từ các nước châu Âu, giá khoảng 60 triệu đồng.

Ngoài hộ gia đình ông Cường, ở Phạm Pháo còn có nhiều nhà khác làm kèn Tây. Xu hướng chung của các gia đình là chuyên nghiệp hóa, mỗi người làm vài chi tiết. Nhưng để chuyên nghiệp hóa việc bán và giới thiệu sản phẩm ra thị trường thì hầu hết các gia đình còn lúng túng. Mỗi chiếc kèn có độ bền hàng chục năm, nên việc bán kèn cũng không phải dễ, đa số là bán cho những nơi mới thành lập đội kèn, hoặc bổ sung thêm để nâng cấp quy mô đội kèn. Khó khăn là vậy, nhưng bao năm nay, người Phạm Pháo vẫn đam mê làm kèn, những chiếc kèn Tây với âm thanh độc đáo đầy hấp dẫn đã ngấm vào máu thịt và tâm hồn người Phạm Pháo như một thứ đam mê, một tình yêu bền chặt./.

Bài, ảnh: An Luých (CTV)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực