Giao lưu với ba tác giả truyện hình sự nhân Ngày sách Việt Nam

Thứ tư, 20/04/2016 11:10
(ĐCSVN) - Nhân sự kiện Ngày sách Việt Nam lần thứ 3 diễn ra từ 20-24/4/2016, Công ty sách Bách Việt sẽ tổ chức buổi giao lưu với ba tác giả truyện hình sự của Việt Nam: Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Nguyễn Đình Tú vào lúc 18h00, ngày 21/4 tại sân khấu trung tâm khu vực hội sách Công viên Thống Nhất, Hà Nội.

Buổi giao lưu với ba tác giả truyện hình sự Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Nguyễn Đình Tú
  sẽ diễn ra vào 21/4 nhân sự kiện Ngày sách Việt Nam. (Ảnh: BTC cung cấp)

Nội dung sự kiện sẽ xoay quanh những câu chuyện "bếp núc" văn chương và quy trình sáng tác thể loại hình sự. Ba nhà văn cũng sẽ dành tặng nhiều phần quà có chữ ký cho những độc giả có nhiều câu hỏi thú vị.

Hình sự và trinh thám là thể loại văn học được ưa chuộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì không nhiều tác giả bước chân vào lĩnh vực này. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận định rằng: “Độc giả Việt Nam nhiều thế hệ vẫn thích thú đọc tiểu thuyết trinh thám của các nhà văn tài năng thế giới như Agatha Christie, Conan Doyle, Stephen King, Dan Brown… Nhưng độc giả cũng mong muốn có những nhà văn Việt Nam sáng tác tiểu thuyết trinh thám làm thỏa mãn nhu cầu đọc của công chúng thời hiện đại với tâm lí người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, vừa như một phong trào xã hội lại vừa như một tâm thế thời đại mang ý nghĩa dân tộc.”

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Di Li, Nguyễn Đình Tú đều đã từng giành được giải thưởng cho thể loại này trong các cuộc thi văn học được tổ chức bởi Nhà xuất bản Công an Nhân dân.

Nhà văn Di Li là tác giả của hai tiểu thuyết trinh thám “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7”, bên cạnh 26 đầu sách khác bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường Đại học Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn Châu Á -Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Di Li bước đầu viết tiểu thuyết trinh thám chỉ đơn giản bởi lý do chị vô cùng say mê thể loại này. Kể từ tiểu thuyết trinh thám đầu tay “Trại hoa đỏ” (đã được thời báo Yomiuri Shimbun, Nhật Bản viết bài ca ngợi), Di Li coi sáng tác văn học trinh thám là một công việc chuyên nghiệp và là “nghiệp viết” của mình. Chị chia sẻ “Tôi định nghĩa nhà văn một cách đơn giản, đó chỉ là người sáng tạo nên những câu chuyện. Còn một nhà văn thành công là khi anh ta biết cách kể một câu chuyện hấp dẫn và khiến cho độc giả ám ảnh sau khi đã gấp sách lại.”

Nhà văn Nguyễn Đình Tú là tác giả của ba tiểu thuyết hình sự trong số hơn chục đầu sách đã phát hành: “Hồ sơ một tử tù” (được chuyển thể thành 11 tập phim trong seri “Cảnh sát hình sự”), “Phiên bản” (được chuyển thể thành phim nhựa “Hương Ga”) và mới đây nhất là “Cô Mặc Sầu”. Anh từng được báo chí gọi là "nhà văn của dòng tiểu thuyết tội phạm học". Nguyễn Đình Tú tốt nghiệp ngành luật và hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh nói rằng: "Tôi yêu thích các hoạt động phòng, chống tội phạm nói chung, công việc phá án nói riêng, bởi nó hội tụ đủ các yếu tố thiện - ác, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn, anh hùng, bội phản, hỉ, nộ, ái, ố... của cuộc đời, xét cho cùng đó chính là những mối quan hệ cốt lõi mà muôn đời con người và văn học quan tâm. Với một nhà văn chuyên nghiệp thì mọi đề tài chỉ là cái cớ để họ cầm bút trải lòng mình về cuộc đời này thôi."

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là tác giả của tiểu thuyết “Sát thủ Online”, tác phẩm đoạt giải A cuộc thi của Bộ Công an, đã được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập cùng tên phát sóng trên VTV3. Mới đây nhất, anh đã tiếp tục trở lại với đề tài tâm lí hình sự bằng tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió”, vừa ra mắt cuốn sách đã gây chú ý bởi giọng văn kể chuyện và lần đầu tiên nạn mổ sống cướp nội tạng được đưa vào tiểu thuyết Việt. Nguyễn Xuân Thủy cũng là nhà văn trăn trở đào xới những hiện thực xã hội nhức bỏng đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng. Trong “Sát thủ Online” và “Có tiếng người trong gió”, thủ pháp khai thác tâm lí nhân vật được coi là điểm mạnh của tác giả. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định: “Vết tiểu thuyết trinh thám hình sự cũng giống như việc anh phải làm “thám tử” cho chính những trang viết của mình.” Hiện anh là thư ký tòa soạn của tạp chí Văn nghệ Quân đội./.

K.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực