Trước thực trạng đó, Hưng Yên đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, lưu giữ những giá trị vốn có để loại hình nghệ thuật độc đáo này sống mãi với thời gian. Đến nay, Ca trù ở Hưng Yên đang từng bước khẳng định vị thế trên các diễn đàn sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ảnh minh họa. Nguồn:vovgiaothong.vn
* Nhiều giải pháp bảo tồn
Từ năm 2013, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Hưng Yên đã nghiên cứu thành công đề tài “Ca trù Hưng Yên và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trong thời kỳ đổi mới”. Qua đó, sơ bộ phác dựng lại bức tranh toàn cảnh về lịch sử hình thành và phát triển, hệ thống hóa các tư liệu về nghệ thuật Ca trù, giúp cộng đồng và các tổ chức có liên quan trong và ngoài nước nhận diện, đánh giá đúng giá trị, đảm bảo sự tôn trọng, để hướng tới mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ, bảo tồn và phát huy giá trị của Ca trù trong thời kỳ đổi mới.
Tỉnh cũng đã ban hành "Kế hoạch bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hát Ca trù và hát Trống quân giai đoạn 2014 - 2020", với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, Ca trù của tỉnh thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và đến năm 2020, hát Ca trù và hát Trống quân được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh. Theo đó, ngành văn hóa Hưng Yên đã triển khai 5 nhóm giải pháp gồm: Kiểm kê và hệ thống hoá các tư liệu; tuyên truyền, quảng bá, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ; phục hồi và truyền dạy; thực hiện cơ chế, chính sách với kinh phí đầu tư 2,8 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, quảng bá đã giới thiệu nhiều mô hình hay, tổ chức biểu diễn nhiều chương trình đặc sắc về Ca trù như "Về nơi lưu giữ phát triển Ca trù", "Hưng Yên văn hiến hào hùng". Trong 2 năm 2014 và 2015, toàn tỉnh đã tổ chức dạy 6 lớp Ca trù cho hơn 200 người học đàn, hát, trống trầu. Điển hình là Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng đã khôi phục hát Tế cửa đình, hát múa Chúc hỗ để trình diễn phục vụ lễ hội tại các di tích. Trong đó, nhiều nghệ nhân tâm huyết với ca trù như Đỗ Thị Thanh Nhàn, Bùi Xuân Thể, Nguyễn Hữu Bổn... đã tự học hỏi, rèn luyện ngày đêm, rồi truyền lửa đam mê cho các trò. Mang tính chất bác học, sang trọng, Ca trù rất kén người thưởng thức và để học biểu diễn được cũng phải hết lòng đam mê, khổ luyện. Song từ “vốn mồi” ban đầu của các lớp học, các học viên đã tranh thủ tầm sư học đạo và cần mẫn tự học qua băng, đĩa, clip nên kỹ năng hát Ca trù trở nên sắc nước hơn từng ngày.
Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, hát Ca trù và Trống quân sẽ được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh; trong đó, hát Trống quân trở thành sản phẩm văn hoá đặc sắc của Hưng Yên. Các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Văn Giang thường xuyên tổ chức biểu diễn Ca trù, Trống quân để quảng bá; đồng thời phục vụ du khách theo tuyến du lịch sông Hồng, sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh.
Tại các huyện chưa có câu lạc bộ như Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ..., khi có người biết đàn, hát Ca trù và Trống quân sẽ lập các câu lạc bộ để duy trì sinh hoạt, luyện tập thường xuyên để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đủ khả năng trình diễn phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, ngành văn hóa tổ chức các lớp học, lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân văn nghệ của một số địa phương trong tỉnh. Khôi phục sinh hoạt hát, tế cửa đình để trình diễn phục vụ lễ hội tại các di tích, chú trọng các địa phương đã có truyền thống hát Ca trù, Trống quân; tổ chức trình diễn tại các lễ hội, hội thi, liên hoan hàng năm do tỉnh tổ chức.
* Bước đầu thoát khỏi tình trạng bị mai một, thất truyền
Từ 3 câu lạc bộ năm 2009 với 56 người biết đàn hát Ca trù, đến nay Hưng Yên đã có 4 câu lạc bộ và 5 đội trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ; Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch và Đội văn nghệ xã Hùng An (Kim Động), với trên 200 người biết đàn, hát Ca trù. Các ca nương, kép đàn có ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Các huyện Văn Lâm và Yên Mỹ trước đây không có ai, giờ cũng có người theo học. Đa số đều thuần thục một thể cách trở lên. Những thành viên của các Câu lạc bộ Ca trù: Giáo Phòng, Đào Đặng, Bình Minh, sau mấy năm được học nâng cao đều đã thuần thục được 4 thể cách trở lên.
Ở nhiều nơi, các câu lạc bộ Ca trù đã được củng cố, duy trì sinh hoạt, luyện tập thường xuyên và kết nạp thêm những thành viên mới để nâng cao chất lượng nghệ thuật; đầu tư mua sắm trang thiết bị, nhạc cụ để có đủ khả năng trình diễn phục vụ cộng đồng và khách du lịch. Các đội Ca trù cũng đang đề nghị thành lập câu lạc bộ. Theo bà Bùi Thị Phấn, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên), mỗi lần Sở gửi thông báo đến các câu lạc bộ, tổ nhóm Ca trù tham gia giao lưu, số lượng đăng ký đều vượt gấp 3 lần dự kiến. Điều này khiến Ban tổ chức “khó xử”, vì bố trí các đơn vị tham gia cả thì không đủ thời gian mà bỏ cũng tiếc, đành phải cân nhắc lựa chọn 15 tiết mục không trùng nhau, đại diện và là thế mạnh của từng đơn vị để đảm bảo thời lượng cho chương trình gần 2 tiếng.
Hàng năm, Ban quản lý các di tích tỉnh Hưng Yên thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Câu lạc bộ Ca trù trình diễn tại Văn miếu Xích Đằng nhân dịp triển lãm thư pháp đầu Xuân. Trong tất cả các cuộc thi, liên hoan, biểu diễn văn nghệ quần chúng của Hưng Yên đều khuyến khích thể loại hát Ca trù. Nhiều địa phương cũng vận động, khuyến khích đưa việc trình diễn Ca trù thành nghi thức hát, tế trong lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa. Trong đó chú trọng những nơi có truyền thống hát Ca trù như: Đền Tiên Mãn đường Mai Hoa Công chúa (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang), đình Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm), đình Đại Đồng (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm); đền Đa Hoà (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu); đình Nội Linh (xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ); đền Đào Nương (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên)... Những kết quả ban đầu cho thấy, Ca trù đang dần đi vào cuộc sống một cách bài bản.
Ông Trần Đăng Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên, chia sẻ: Năm 2016 và những năm tiếp theo, Hưng Yên vẫn nỗ lực thực hiện chương trình bảo vệ di sản hát Ca trù và hát Trống quân giai đoạn 2014 -2020, nhằm đưa Ca trù ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hoá tốt đẹp; đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hoá hát Ca trù và Trống quân trên quê hương Phố Hiến mang đậm bản sắc và tâm hồn Việt./.