Nghệ nhân Ưu tú Mào Ết với cây Tính tẩu

Thứ sáu, 19/02/2016 10:47

(ĐCSVN) - Đầu năm mới tôi có dịp ghé thăm gia đình Nghệ nhân Mào Văn Ết ở tổ 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Bền bỉ nhiều năm qua, Nghệ nhân Mào Văn Ết luôn tìm tòi, sáng tạo, gìn giữ và tôn vinh nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Nghệ nhân Ưu tú Mào Ết cùng cây Tính tẩu. (Ảnh: QK)

Sau khi rót chén nước mời khách, Nghệ nhân Mào Ết giúp tôi tìm hiểu về cây Tính tẩu. Ông chậm rãi: Cây Tính tẩu của dân tộc Thái, cây Khèn của dân tộc Mông, cây Đàn bầu của dân tộc Kinh đều là "báu vật". Bản thân ông gắn bó với cây Tính tẩu từ lúc còn ấu thơ, nay đã ở tuổi lớp người xưa nay hiếm, vẫn nặng lòng, cần mẫn, say mê với cây đàn của dân tộc mình.

Bằng giọng trầm ấm, ông giảng giải cho tôi hiểu: “tính” là đàn, “tẩu” là quả bầu. "Tính tẩu" nghĩa là "đàn bầu", cho nên gọi chuẩn xác là Cây Tính tẩu. Nếu ai đó nói "đàn tính" tức là "đàn - đàn" thì sẽ không có nghĩa”. Rồi ông chậm rãi kể cho tôi nghe một trong những truyền thuyết về Cây Tính tẩu.

Ngày xửa ngày xưa, đoạn suối Nậm Lùm  xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có hòn đá cuội to bằng 3 cái nhà sàn của người Thái. Ở trên lưng hòn đá có một vết sẹo to. Trong bản có một thanh niên không cha, không mẹ làm lều ngủ trên lưng hòn đá ấy, sớm chiều mò cua, bắt ốc nuôi thân. Rồi một hôm  tình cờ, cơn gió đã đưa quả bầu khô, trôi theo dòng nước về nằm trên hòn đá cuội nơi chàng thanh niên ở. Thấy kỳ lạ chàng đem về tra cán làm gáo múc nước hàng ngày. Một đêm thanh vắng, lũ côn trùng bay vo ve rồi đâm vào chiếc dây chài vắt dọc theo cái gáo múc nước hàng ngày, phát ra âm thanh ấm áp và lôi cuốn. Chàng lấy ba dây chài kéo qua chiếc gáo, rồi gẩy thì âm thanh ấy càng ấm và trong hơn. Từ đó, cây đàn trở thành người bạn tâm tình của chàng trai cô đơn. Thầm thương nhớ một cô gái trong bản, hàng đêm chàng mang đàn đi gẩy cho nàng nghe, nhưng cô gái không dậy khiến chàng rất buồn. Chẳng bỏ cuộc, chàng trai mồ côi đến hỏi những người cao tuổi trong bản và nhận được lời khuyên bảo là chỉ nên để lại hai dây đàn, chọn gỗ tốt làm thân đàn. Từ đó tiếng đàn trở nên trầm ấm và có hồn hơn. Chàng trai mang đàn đến nhà cô gái để  gảy, đã làm cô gái xao lòng, nghe xong liền xuống tâm sự với chàng thanh niên mồ côi. Rồi sau đó họ nên vợ nên chồng...

Ông chia sẻ: Từ bao đời nay, như người bạn thủy chung,  cây Tính tẩu được đồng bào dân tộc Thái dùng để đệm cho  múa xòe, hát dân ca và các lễ hội: Cầu mùa, Cầu mưa, Gội đầu, Hạn khuống, Hoa Ban, Kin Pang Then, Xang khan, Xên bản xên mường, Xòe chiêng... Cây đàn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa, mỗi khi Tết đến xuân về. Đêm đêm, cô gái Thái nhóm lửa và kéo sợi,  chàng trai gẩy đàn, họ trò chuyện tâm tình, rồi kết thành đôi lứa. Trong đời sống văn hóa của dân tộc Thái, cây đàn có vai trò quan trọng, nó như sợi dây vô hình, như tiếng lòng tha thiết, gắn kết con người với nhau, cùng đắp xây hạnh phúc, dựng xây thôn bản ngày một no ấm, yên vui. Với cây Tính tẩu, có thể độc tấu, có thể đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng với sáo bầu, sáo trúc, pí pặp, đàn nhị, tạo thành bản nhạc du dương, trầm bổng. Cây Tính tẩu là loại nhạc cụ truyền thống độc đáo nhất của người Thái, không gì có thể thay thế, không có Tính tẩu thì không thể múa xòe. Cây Tính tẩu không chỉ có mặt trong những hội vui, mà còn được dùng trong nghi lễ, là sợi dây tâm linh nối giữa cõi người với cõi tiên.

Ngưng trong giây lát, ông đọc cho tôi nghe bài thơ do chính ông sáng tác  - hay tiếng lòng của ông với cây đàn: "Tính tẩu đàn tình yêu / Tính tẩu tình đàn/ Tình cá với sông/ Tình lúa với đồng/ Tình chúng ta, tình anh em/ Tính tẩu thiếu rừng, tính buồn / Tính tẩu vắng cây, tính khóc/ Lũ cuốn đổ trời / Tính đành bặt tiếng...

Nói về công đoạn làm Tính tẩu, ông cho biết: Khác với dân tộc Tày, dân tộc Nùng vùng Ðông Bắc, cây Tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc có chiếc mỏ đàn được đẽo gọt thật khéo, cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống.

Tính tẩu có cấu tạo đơn giản gồm 6 bộ  phận, nhưng quan trọng nhất là phần bầu đàn (má tính tẩu). Đáy bầu khoét 4 lỗ để giữ âm hưởng sao cho đều nhau, vì đó là nơi tạo ra âm thanh. Để có tiếng đàn hay phải chọn quả bầu già "mắc tẩu", vỏ mỏng, cạo sạch bên trong rồi đem phơi khô. Đến khi hóa gỗ rồi cưa đôi quả bầu lấy phần dưới làm bầu đàn. Mặt đàn (tép tính) khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm, thường được làm bằng gỗ cây vông hoặc cây gỗ lát. Cần đàn (căn tính), thường độ dài của cần đàn phụ thuộc vào chính người chơi đàn, theo độ dài ngắn của sải tay, khoảng chừng 5 đấm tay của người chơi đàn. Cần đàn nên làm bằng các loại gỗ dẻo già, mịn, ít vân, ít mắt thì mới có độ bền cao, dùng lâu mà cần không bị cong vênh. Cần đàn được đẽo công phu, đánh giấy ráp cho bóng. Khóa đàn (xe tính) nên sử dụng sừng của những con trâu già để làm khóa đàn có màu đen bóng, khi lên dây đàn sẽ cho âm hưởng chuẩn nhất.  Bộ dây, âm vực có thể đạt đến 3 quãng 8, nhưng những người diễn chỉ dùng ngưỡng ở 2 quãng 8.

Hơn 50 năm dày công học hỏi, lao động miệt mài, nghiêm túc nghiên cứu góp phần gìn giữ những giá trị di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, với niềm đam mê và tâm huyết cháy bỏng, Nghệ nhân Mào Ết  đã có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: chế tác và sử dụng Tính tẩu; hát dân ca Thái; sáng tác và soạn nhạc dân gian... Ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" năm 2015.

Trở về với cuộc sống đời thường, Nghệ nhân Ưu tú Mào Ết  vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tác  và chế tác nhạc cụ. Với ông, Tính tẩu là người bạn tâm giao, thủy chung, cùng ông trên các nẻo đường Tây Bắc. Bởi "Tính tẩu -  tiếng lòng của đồng bào dân tộc Thái, dung dị, thật thà  và như dòng suối mát, gẩy ít mà hay nhiều em ơi"./.
   

Đỗ Quang Khải (CTV)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực