Nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời
Thứ sáu, 20/05/2016 15:50 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã trút hơi thở cuối cùng sáng 20/5 tại Bệnh viện Quân y 103, hưởng thọ 69 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ảnh: Báo Công an nhân dân
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục không chỉ viết văn, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực: kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện điện ảnh, phim truyện truyền hình, kịch bản lễ hội và khảo cứu. Ông được mệnh danh là “vua kịch bản” lễ hội tầm cỡ quốc gia.
Theo thống kê không chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát dàn dựng, công diễn. Ông còn viết vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có 2 kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những ngày đang điều trị bệnh, ông đã kịp ra đời cuốn tiểu thuyết mới mang tên “Hỗn độn”. Cuốn tiểu thuyết vừa giới thiệu đã gây ấn tượng mạnh với công chúng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Năm 1952, ông theo gia đình trở lại miền Bắc, năm 1965 ông theo học tại trường Trung cấp Hàng hải ở Hải Phòng, tham gia đội vận tải biển. Năm 1967, trước khi ra mặt trận, ông viết trường ca “Con mắt bão” và kịch bản “Người từ giã cuối cùng”. Kịch bản được đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng thành phim với nhan đề “Những ngôi sao biển”, bộ phim được xem là tác phẩm điện ảnh đầu tiên về đường biển Việt Nam.
Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận.
Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam và nổi tiếng với nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và nhất là phim Bọn trẻ được trao giải thưởng Huy chương Vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994./.
VH