Những đứa trẻ đồng xanh
Thứ bảy, 13/02/2016 18:04 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Năm 1979, tôi lên bảy, ba mẹ tôi gửi chị em tôi về quê ngoại, một vùng quê phía Nam Hà Nội. Hai chị em tôi sống xa cha mẹ bốn tháng, ngắn ngủi, nhưng là những quãng thời thơ ấu đẹp đẽ, thời gian mà tôi học được nhiều điều về nơi mẹ sinh ra, về cây lúa mẹ từng đâm mình dưới nắng mưa cấy gặt.
Hình minh họa (Nguồn: Báo Dân trí)
Bây giờ, ngôi làng ấy đã nằm sâu trong quá khứ, nhưng mỗi khi về quê, đi qua những cánh đồng, tôi lại như trở về với tuổi thơ xa lắc. Điều đầu tiên tôi học ở quê là nấu cơm bằng rơm. Tôi nhớ ông tôi chất rơm thành đống cao ngất như nóc nhà, và nhiệm vụ của tôi là rút những nắm rơm vàng óng, ôm vào bếp để đun. Trong bếp, việc của tôi là làm sao cho lửa cháy đều, trong khi cậu tôi, lớn hơn tôi vài tuổi, lo quản lý việc nấu nướng. Cậu bày cho tôi cách nhen lửa từ vài cọng rơm khô hơn, giòn hơn, cách gom một nắm rơm nho nhỏ đầu tiên rồi nhẹ nhàng đưa vào ngọn lửa. Nếu tôi không kịp cuốn thêm rơm thì lửa có thể lụi dần rồi tắt ngún. Nếu tôi cho nhiều rơm quá, lại làm ngộp ngọn lửa. Tôi mất vàingày, với sự hướng dẫn và giám sát kỹ càng của cậu tôi, mới học được nghệ thuật đun rơm.Tôi cũng hiểu rằng trên cánh ruộng có nhiều thứ quý. Bà tôi hái rau nấu canh cho bữa chiều cần cua đồng cho canh ngọt, bà bảo cậu tôi đi bắt cua. Nhanh như chớp, cậu biến đi cùng cái giỏ cua và một cái que bắt cua. Ai cũng biết mẹo bắt cua của cậu nhưng không phải ai cũng làm được như vậy. Cậu tôi rất tinh, nhìn dọc bờ cỏ xanh hai bên ruộng lúa là biết ngay chỗ nào là mà cua. Cậu biết chỗ nào mà cua bỏ hoang, chỗ nào là mà cua mới tức là cua con không cần bắt, hoặc tệ hại hơn, chỗ nào là lỗ rắn nước. Khi cậu tìm được mà cua vừa ý, cậu nhẹ nhàng xọc que sắt, xuyên qua lớp đất sét mềm, cho đến khi chạm vào cái mai cứng cứng của con cua. Lúc ấy, cậu sẽ dùng cái đầu uốn thành vòng tròn của que sắt nạm lấy con cua và lanh lẹ rút con cua ra.Bị bất ngờ vì ánh sáng và vì cú lôi mạnh, con cua giơ càng thủ thế tấn công. Cậu tôi chỉ việc nhấc cái vòng tròn của que sắt lên và trút vào giỏ. Trong vòng 15 phút, cậu tôi bắt đủ cua cho cả nhà – mà không hề dính một giọt bùn trên tay. Món canh ngon nhất mà tôi từng được ăn là món canh cua đồng của bà tôi.Một món quà quý nữa của đồng quê – món này thì tôi có thể tự tay bắt được – là châu chấu. To bằng con tôm con, chúng ăn lúa nên mình xanh óng với cái đầu be bé màu nâu. Chúng đậu trên những nhành lúa uốn cong, nhưng với một cú chộp gọn, bọn trẻ chúng tôi có thể cầm niềm sung sướng đang giãy giãy trong lòng bàn tay. Rồi chúng tôi cho châu chất vào túi ny-lông, đến chiều thì chúng tôi đã có được vài chục con châu chấu. Cậu tôi nhúng chúng vào nước sôi, chúng tôi vặt đầu, vặt cánh cho sạch. Bà tôi rang lên để ăn tối, gọi là món “tôm bay.”Ban ngày, khi không chơi nhởi hoặc giúp gia đình ông bà, chúng tôi đi học ở trường làng. Có một con đường đất sét từ nhà ông bà tôi đến trường. Ngày nắng, đường rất dễ đi: nó mượt mà, mát mẻ, và chắc nịch. Ngày mưa thì đường trở nên trơn như bánh xà phòng. Ông tôi có tinh thần sáng chế, làm cho tôi một cái gậy gỗ,một đầu vót nhọn, để tôi đi học. Ông bày cho tôi cách cắm cây gậy nhọn xuống mặt đường trơn và bám vào nó cho chắc mà bước đi. Khi hai chân đứng vững thì nhổ gậy lên và lại cắm một phát nữa mà đi tiếp.Mặc dù gậy được thiết kế rất hay nhưng bàn chân trẻ con của tôi không biết bám vào mặt đường trơn cho nên khi tôi cố gắng nhổ gậy lên thì bị mất thăng bằng và ngã nhoài ra đất như con ếch con. Bọn trẻ con gọi kiểu ngã ấy là chộp ếch. Những ngày mưa ấy, chúng tôi “chộp” rất nhiều “ếch.”Một hôm, ông tôi nảy ra một ý mới. Ông đổ trấu dọc rìa đường trơn. Trấu tạo đủ sức ma sát cho bàn chân chúng tôi đứng vững trên mặt đường. Thế là không còn phải “chộp ếch” nữa!Có lẽ ký ức rõ ràng nhất trong tôi về quãng thời thơ ấu ở quê ông bà là mùi thơm của lúa khi tôi đi dọc những bờ ruộng dọc ngang trên cánh đồng. Lúa cao ngang ngực tôi, và khi tôi bước đi, lúa lùa vào vai tôi. Tôi nghe tiếng gió thổi qua ngàn lá lúa, tôi ngửi thấy mùi bùn, mùi cỏ, mùi lúa, xanh mướt dưới ánh nắng mặt trời. Những tháng ngày thơ ấu ấy, chúng tôi - những đứa trẻ thành thị về quê, đã sống như những con cua đồng, những con châu chấu đồng, tít tắp trên đồng xanh, lấm láp, mà lòng đầy ắp ước mơ...
Nguyễn Thị Hạnh