Ra mắt sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn

Thứ năm, 10/10/2013 22:47

(ĐCSVN) - Nhân dịp kỉ niệm 59 năm Giải phóng Thủ đô, chiều ngày 10/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội cho ra mắt độc giả cuốn sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” của nhà văn Băng Sơn.

Sinh thời, nhà văn Băng Sơn sống gắn bó với Hà Nội. Ông chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Ông từng viết “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa.”

Và suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông đã chọn viết về Hà Nội, từ tác phẩm đầu tiên đăng báo năm ông 17 tuổi, cho đến khi gác bút, một sự nghiệp viết văn dài gần 60 năm...

Những tác phẩm viết về Hà Nội của ông đã chạm vào tâm khảm người đọc: Thú ăn chơi người Hà Nội (4 tập), Dòng sông Hà Nội, Nghìn năm còn lại, Nước Việt hồn tôi, Đường vào Hà Nội, Phập phồng Hà Nội, Hà Nội 360 phố phường,...

Cuốn “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh” là tuyển tập 33 tản văn viết về Hà Nội, thể hiện cách nhìn và cách yêu Hà Nội mang dấu ấn Băng Sơn.

 

 Lễ ra mắt sách của Nhà văn Băng Sơn


Băng Sơn chọn cách riêng viết về Hà Nội để không lẫn với Hà Nội của những nhà văn đi trước đã thành danh. Ông lựa chọn trở thành một “người rong ruổi”, thu vào đôi mắt mình hình ảnh một Hà Nội trong vòng quay thật chậm của thời gian, và ghi lại trong kí ức và viết ra một cách tinh tế những gì ông nhìn thấy và cảm thấy.

Trong buổi ra mắt sách, một phần con người và sự nghiệp của ông được tái hiện qua góc trưng bày các kỉ vật về ông do gia đình cung cấp. Chiếc máy chữ gắn bó với ông suốt cuộc đời, những bản thảo, những tác phẩm… Đặc biệt, những kí họa nguyên bản của họa sĩ Việt kiều Nguyễn Trường đã được sử dụng để minh họa sách “Hà Nội rong ruổi quẩn quanh”.

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn (1932 – 2010), quê cha ở Bình Lục (Hà Nam); quê mẹ ở làng Sét, Thanh Trì (Hà Nội).

Ông sinh ra và lớn lên ở đất Cẩm Giàng (Hải Dương), nhưng lại khởi nghiệp văn chương ở đất Hà thành. Ông có thơ đăng báo năm 17 tuổi.

Sau năm 1975 ông quyết định thôi làm thơ, chuyển hẳn sang văn xuôi và chọn tùy bút làm sở trường. Ông tự đánh giá: "Tùy bút gần gũi với thơ; và thơ biểu đạt xúc cảm về đời sống là chính, và viết một bài tùy bút xong, không mất quá nhiều công phu như tiểu thuyết hay truyện ngắn".

Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải báo Nhi Đồng, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin.

Năm 2009 ông được chọn là một trong ba đề cử của giải thưởng "Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội" trong giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực