Khí phách hiên ngang của người cộng sản
Phan Đăng Lưu là một trí thức tiêu biểu xuất sắc - người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, xuất sắc, mẫu mực, có tầm nhìn xa trông rộng, mưu lược, bản lĩnh, nhân văn, xả thân vì nghĩa lớn; ông còn là nhà báo, nhà văn, một nhà lý luận tiên phong xuất sắc, tiêu biểu của Đảng và cách mạng nước ta. Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng, đạo đức và nhân cách của ông đã góp phần xuất sắc cho Đảng, cho cách mạng, cho nhân dân ở một giai đoạn đầy vẻ vang, đầy bão táp, tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Những cống hiến to lớn, xuất sắc của Phan Đăng Lưu; tấm gương cộng sản sáng ngời của ông mãi mãi được toàn Đảng, toàn dân ta và các thế hệ mai sau đời đời trân trọng, ghi nhớ, ra sức học tập, noi theo.
Tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, lý do ông chọn nhân vật Phan Đăng Lưu để xây dựng kịch bản cải lương bởi ngày nay khá ít tác phẩm, công trình về người chiến sĩ cách mạng nhiều cống hiến này. Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, ở một giai đoạn khó khăn của đất nước, người cộng sản đấu tranh bằng nhiều cách, trong đó Phan Đăng Lưu chọn báo chí, văn hóa văn nghệ. Ngay cả khi dự báo được tình hình cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ khó khăn, ông vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ nguy hiểm. Tác giả mong muốn, vở cải lương “Hừng đông” sẽ là lời tri ân với thế hệ cách mạng đi trước, những người đồng chí, những cán bộ đã phát huy tinh thần của những người cộng sản ở giai đoạn khó khăn nhất của Đảng.
Hình tượng người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu trong "Hừng Đông". Ảnh: Kim Sơn
Vở diễn được dàn dựng với 8 cảnh chính. Cảnh mở màn được bắt đầu với sự xuất hiện của một ban nhạc trẻ 9X trong thời hiện đại, họ là những người trẻ dẫn dắt cho tuyến câu chuyện quá khứ được bắt đầu. Tiếp sau đó, câu chuyện về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu được bắt đầu khi ông tận mắt chứng kiến sự bóc lột tàn bạo, dã man của chế độ thực dân với người dân An Nam. Căm giận trước tội ác thực dân, Phan Đăng Lưu đã tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh và tham gia Hội Phục Việt - sau này đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng. Phan Đăng Lưu gặp gỡ cụ Phan Bội Châu, qua đó tìm hiểu thêm về con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và mong muốn được gặp Người.
Sau nhiều lần sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, ông bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng trước khi xuống tàu. Phan Đăng Lưu bị đưa ra xử cùng 60 Đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng và bị kết án 3 năm tù khổ sai. Đây là một trong những cảnh xúc động nhất về cuộc đời của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trong vở Hừng Đông. Ở tù, Phan Đăng Lưu vẫn tích cực hoạt động, vận động anh em học tiếng Ê-đê để thực hiện công tác binh vận, viết báo gửi ra ngoài tố cáo chế độ tàn bạo của thực dân Pháp. Đỉnh điểm của vở diễn là khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ xảy ra bị chìm trong biển máu, Phan Đăng Lưu nhìn thấy trước sự thất bại của cuộc khởi nghĩa, vì bà con nôn nóng. Biết rằng cuộc khởi nghĩa phần nhiều thất bại, nhưng Phan Đăng Lưu vẫn dấn thân lãnh đạo và khắc phục cuộc khởi nghĩa. Cuối cùng, ông bị bắt và bị xử tử. Cảnh này đã đem đến cho người xem những xúc cảm mạnh mẽ chứng kiến những gương hi sinh, không vụ lợi, không toan tính. Họ đã nêu cao tấm gương cộng sản, cho đồng chí, đồng bào noi theo.
Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: Lâu rồi Nhà hát Cải lương mới dàn dựng vở về đề tài đấu tranh cách mạng, chính vì vậy, Nhà hát chủ trương từ thiết kế, phục trang cho tới phong cách biểu diễn của nghệ sĩ phải thật sự mộc mạc, dung dị để làm sao toát lên được bối cảnh lịch sử cũng như xây dựng hình tượng người chiến sĩ cộng sản một cách chân thực. Vở diễn dùng phương pháp tả thực, có khai thác thế mạnh của thiết bị âm thanh, ánh sáng cũng như các đặc trưng của sân khấu truyền thống để có thể diễn tả được sự trải dài của không gian, thời gian trong câu chuyện.
Đưa nghệ thuật đường phố vào sân khấu cải lương
Đây là lần thứ ba Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên cộng tác với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ dàn dựng vở chính kịch cho sân khấu, bởi vậy, anh chịu không ít áp lực khi cả hai vở trước đây là “Chuyện tình Khau Vai” và “Mai Hắc Đế” đã gặt hái được nhiều thành công. Để làm tăng tính mới mẻ trên sân khấu, đạo diễn kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn như màn trình diễn của nhóm nghệ thuật đường phố HUB với jazz, rock, pop... Việc đưa nghệ thuật đương đại vào sân khấu cải lương theo đạo diễn không hề có sự chênh hay làm phá vỡ hệ thống bài bản, âm nhạc cải lương bởi nghệ thuật cải lương vốn có những ưu thế tiếp thu những cái mới.
Đưa nghệ thuật đường phố vào sân khấu cải lương. Ảnh: Kim Sơn
Đạo diễn Triệu Trung Kiên chia sẻ, “Hừng đông” là một vở diễn về đề tài cách mạng. Làm thế nào để giữ chân và lay động khán giả là việc hết sức khó khăn. Chính bởi vậy, ê kíp sáng tạo đã bàn bạc với tác giả kịch bản để đi đến thống nhất sẽ làm mới tác phẩm bằng cách đan xen các loại hình nghệ thuật với nhau.
Trong quá trình tìm kiếm “chất liệu” sáng tạo cho vở diễn, anh tình cờ gặp nhóm nhạc đường phố HUB, gồm các thành viên 9X. Các bạn trẻ cùng đạo diễn xuất hiện trên sân khấu, chứng kiến câu chuyện và đến một thời điểm cảm xúc dâng lên cao sẽ dùng âm nhạc để bộc lộ tình cảm, có lúc lên tiếng can dự vào câu chuyện. Sự hiện diện của những bạn trẻ lên sân khấu để có tác động qua lại, nhắc nhở về truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của người Việt Nam.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho rằng, cải lương là loại hình có sự hấp thu và tiếp nhận vô biên, vì vậy, không chỉ có âm nhạc đường phố, jazz, rock, nhạc hiện đại mà bất cứ loại hình nghệ thuật đương đại nào cũng có thể đưa vào sân khấu cải lương và được chuyển hóa hòa quyện mà không làm biến đổi hệ thống âm nhạc, bài ca cải lương. “Nghệ thuật đương đại kết hợp trên sân khấu cải lương không sợ công nhau, mà trái lại cùng hoà quyện và tạo nên vở diễn xúc động và dung dị” – Đạo diễn Triệu Trung Kiên khẳng định.
Tối ngày 7/1, tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), Nhà hát Cải lương Việt Nam đã công diễn vở cải lương “Hừng đông”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo khán giả tới theo dõi. Vở diễn do PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản; Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên; Thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Doãn Bằng; Âm nhạc: NSND Trọng Đài; Thiết kế đồ họa: Họa sĩ Hoàng Duy Đông; Biên đạo múa: Quốc Tuấn... Tham gia vở diễn có các nghệ sĩ: Quang Khải (vai Phan Đăng Lưu); Thu Hiền (vai Nguyễn Thị Danh); Như Quỳnh (vai Nguyễn Thị Vịnh – tức Nguyễn Thị Minh Khai), cùng tập thể các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam, các thành viên Câu lạc bộ nghệ thuật HUB... Vở cải lương “Hừng Đông” chính thức ra mắt công chúng Thủ đô trong các đêm từ 7 - 9/1/2016. Sau đó, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ giới thiệu vở diễn trong chương trình “Sân khấu truyền hình” phục vụ công chúng cả nước. |
Hà Thảo