Cụ thể, Vĩnh Phúc đã nhất quán 5 quan điểm và 5 chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, 5 quan điểm là: Tập trung chỉ đạo thực hiện kết luận của Trung ương, của tỉnh; tập trung cao độ, quyết liệt, bài bản cho việc triển khai các Chương trình, Kế hoạch, Đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và các chính sách của Trung ương; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Tổ chức, triển khai sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch vào thực tiễn; Tập trung cao độ cho công tác kiểm tra, giám sát, rà soát các lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đô thị, tài chính – ngân sách, đầu tư, phòng cháy chữa cháy, chỉ đạo đôn đốc giải quyết các vi phạm về đất đai; Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án đô thị, dự án thương mại, thu hồi các dự án chậm triển khai; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, đồng thời quyết liệt giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh; Tập trung đổi mới, phát triển các lĩnh vực: Thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch...
|
Vĩnh Phúc tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật trong 2023 (Ảnh: VP) |
Đồng thời, trên cơ sở thống nhất về quan điểm chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã tập trung chỉ đạo chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương cụ thể hóa triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã được thông qua. Ngay từ cuối năm 2022, đã giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2023 cho các cấp, các ngành, các chủ đầu tư; Quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm,... thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Tổ chức nhiều hội nghị UBND tỉnh, hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tập trung xử lý những nhiệm vụ, công việc thường xuyên, đồng thời quyết liệt giải quyết những vấn đề còn tồn đọng kéo dài và những vấn đề đột xuất phát sinh… Chỉ đạo việc đảm bảo cung ứng điện, thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an toàn điện trên địa bàn tỉnh. Tập trung cao độ cho kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vi phạm, nâng cao năng lực, hiệu quả quán lý nhà nước các lĩnh vực về xây dựng, đô thị, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tài chính ngân sách, đầu tư công, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Những điểm sáng 2023 của Vĩnh Phúc
Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, năm 2023, tỉnh đã thí điểm giao nhiệm vụ cho 15 đồng chí giám đốc các sở ngành và 9 đồng chí Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với tổng số 140 nhiệm vụ cụ thể là các nhiệm vụ, điểm nghẽn nhiều năm. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. UBND tỉnh tiếp nhận, giải quyết hơn 30 nghìn văn bản, tổ chức hơn 600 cuộc họp để quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ban hành hơn 19 nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, gồm 3.147 quyết định, 53 quyết định quy phạm pháp luật, 355 kế hoạch và hàng chục nghìn văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Toàn tỉnh đã thực hiện tổng rà soát TTHC, công bố 1.743 danh mục TTHC; đã cắt giảm tối thiểu 20% thời hạn giải quyết đối với 825 TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc, tổng số ngày cắt giảm so với quy định là 4.998 ngày. Cụ thể, số lượng hồ sơ tiếp nhận tăng 25%; Hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ là 98,95% (tăng 1,6%). Cũng năm 2023 đã rà soát bổ sung hơn 3.000 tỷ đồng bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023; Chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng dự án, gắn trách nhiệm với chủ đầu tư.
Điểm sáng đầu tiên phải kể đến chính là tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Với sự quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phục hồi, quý sau cao hơn quý trước; Cụ thể: GRDP quý I giảm 0,5% (là một trong 5 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng âm), 6 tháng đầu năm tăng 1,69%, duy nhất Vĩnh Phúc có tăng trưởng âm quý I phục hồi tăng trưởng trong năm, ước cả năm tăng 2,37%.
|
Công tác an sinh xã hội không ngừng được chăm lo trên địa bàn tỉnh (Ảnh: VP) |
Thêm vào đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng, dự kiến nằm trong 8 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Dự toán chi ngân sách ước cả năm 23.910 tỷ đồng, đạt 127% dự toán và bằng 116% so thực hiện năm 2022. Ttrong cơ cấu chi đã có sự chuyển dịch tích cực, trong đó 60% cơ cấu chi cho sự nghiệp văn hóa xã hội và chi đảm bảo an sinh xã hội.
Ngoài ra, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao tính đến nay là 11.029,691 tỷ đồng, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/11/2023 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt 7.937 tỷ đồng, bằng 103,2% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 71,6% so với tổng vốn Trung ương giao, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, do trong năm tỉnh rà soát bổ sung thêm hơn 3.000 tỷ đồng vào nhiều đợt khác nhau nên một số dự án phân bổ sau có tỷ lệ giải ngân chưa đáp ứng kỳ vọng.
Dư nợ cho vay ước đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2022; Nợ xấu tại thời điểm cuối mỗi tháng đều được kiểm soát mức an toàn, tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2023 chiếm tỷ lệ 0,77% trên tổng dư nợ thấp hơn so với mức bình quân của cả nước.
Đáng chú ý, năm 2023, tỉnh đã có hơn 100 kiến nghị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn công tác của Chính phủ xem xét, tháo gỡ, đến nay đã được giải quyết dứt điểm hơn 40 kiến nghị, đề xuất, đặc biệt các kiến nghị về phân cấp xác định giá đất, tháo gỡ vướng mắc cho cảng cạn Logistics ICD… Tỉnh chủ động tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về đất đai; Sau 3 năm đã giải phóng trên 3.500 ha đất (là điểm nghẽn hàng chục năm không tháo gỡ được), tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án; Bổ sung hơn 1.000 ha đất công nghiệp (bằng diện tích thực hiện từ khi tái lập tỉnh tới nay), khởi công 3 khu công nghiệp mới, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; Đã tổ chức đối thoại và tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án lớn có tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo như: các dự án KCN, Dự án đầu tư của công ty Northstar Precios (top 500 doanh nghiệp của Mỹ), Cảng cạn Logistics ICD ...
Đặc biệt, hạ tầng giao thông được hoàn thiện, với tổng chiều dài đường bộ khoảng 7.107,8km; Đấu nối đảm bảo cung cấp nước cho 6 xã huyện Vĩnh Tường, chỉ đạo mở rộng vùng cấp nước cho 10 xã còn lại của huyện Yên Lạc, cấp nước cho 3 xã của huyện Lập Thạch.
Song song, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với 2022, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022, vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm, cụ thể: ước năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023, qua đó đã đạt mục tiêu thu hút vốn FDI cả nhiệm kỳ.
Kết quả phát triển doanh nghiệp trong năm đạt khá, ước tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.450 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% về số doanh nghiệp so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường đến nay là 328 doanh nghiệp…
|
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại một sự kiện về Làng văn hóa kiểu mẫu (Ảnh: VP) |
Điểm sáng và gần như cũng là điểm nhấn tiêu biểu là công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” được triển khai sâu rộng, bước đầu đã đạt được các kết quả rất tích cực, đến nay 28/28 nhà khu thiết chế văn hóa thể thao được khánh thành. Toàn tỉnh thu hút hơn 9,3 triệu khách du lịch, tăng 13% so với 2022. Phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao ngày càng phát triển rộng khắp. Năm 2023, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công 2 giải thể thao khu vực, 2 giải thể thao toàn quốc và 11 giải thể thao quần chúng. Các vận động viên của tỉnh đã tham gia 3 môn thi đấu, giành được 4 huy chương vàng, 4 huy chương đồng tại Seagames 32, đồng thời các vận động viên đã tham gia 30 giải thể thao quốc gia đạt tổng 173 huy chương, trong đó có 48 huy chương vàng.
Vui mừng hơn cả, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng lên. Tỉnh đã vươn lên đứng thứ nhất toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ học sinh đạt giải, đứng thứ 3 về số lượng và xếp thứ 5 toàn quốc. Đặc biệt, tỉnh đã có 01 học sinh dự thi Olimpic Sinh học Quốc tế.
Cùng với đó là tăng cường chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, áp dụng nhiều kỹ thuật y tế mới, hiện đại cũng như chăm lo giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội. Ước cả năm toàn tỉnh giải quyết việc làm đạt 19 nghìn lao động, vượt 18,8% so với kế hoạch và bằng 91,3% so với năm 2022. Năm 2023 bố trí 1.009.589 triệu đồng chi đảm bảo an sinh xã hội, tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021; Chi 20.839 triệu đồng từ Mặt trận Tổ quốc cho xây dựng nhà Đại đoàn kết, thăm hỏi, tặng quà dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ học sinh nghèo, người nghèo,... chi 1.050 triệu đồng từ các Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo và Cứu trợ thiên tai; Chi an sinh xã hội 2.306 triệu đồng từ Hội Chữ thập đỏ, tăng 1,04 lần so với năm 2022; Chi từ Quỹ Khuyến học 593 triệu đồng và Quỹ Khuyến tài 1.039 triệu đồng.
Ngoài ra, tỉnh bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân hàng chính sách cho vay giảm nghèo, tạo việc làm là 145 tỷ đồng; Lũy kế nguồn vốn từ ngân sách tỉnh bổ sung cho vay giảm nghèo, tạo việc làm đạt trên 800 tỷ đồng. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nên ước đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 0,61%. Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều trong top 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước: HDI đứng thứ 9; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 9, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc; Chỉ số nhà ở/người dân đứng thứ 2 cả nước; Số ô tô nhiều thứ 5 toàn quốc.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, tỉnh đã tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển (Ảnh: VP) |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành, quan trọng hơn cả, tỉnh đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tháo gỡ nút thắt về đất đai, tăng cường giải phóng mặt bằng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao công tác quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực, kiên quyết xử lý các vi phạm. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, rà soát đối với 76 dự án đô thị, 446 dự án thương mại, dịch vụ; 266 tập thể phải kiểm điểm trách nhiệm….
Phát huy thành tựu, khắc phục hạn chế, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 2024
Tỉnh xác định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước 2024 được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhận định, trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được dự báo tiếp tục đảm bảo; Tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhất là, trong địa bàn tỉnh, vẫn nêu cao sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nhiều dự án lớn được thu hút từ đầu nhiệm kỳ đã đi vào hoạt động, dự kiến sắp đi vào hoạt động tạo động lực tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cho tỉnh trong các năm tiếp theo như: Cảng cạn Logistic ICD, Toto, Dự án chăn nuôi bò thịt Tam Đảo, 6 khu công nghiệp…
Bởi thế, Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhiệm vụ thực hiện năm 2024 tập trung vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản gồm có: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh khoảng từ 7,5-8,5%; Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn chiếm khoảng 30-33% GRDP theo giá hiện hành; Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 30.425 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 25.025 tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn FDI và 5.500 tỷ đồng vốn DDI; Tỷ lệ dân số đô thị (dân số đô thị tại các khu vực đã được công nhận đô thị) đạt 49%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn khoảng 0,44%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 0,25%; Giải quyết việc làm mới cho khoảng 16-17 nghìn lao động; Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định 25%; tỷ lệ hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02/BYT đạt 79,5%;...
Tin tưởng và hy vọng rằng, với những kết quả đã làm được của những năm trước, đặc biệt của 2023, 2024, các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường mà tỉnh đề ra đều đạt và vượt định mức, góp phần vào quá trình tăng trưởng của tỉnh, củng cố định hướng phát triển bền vững mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới./.
5 điểm nhấn của tỉnh trong 2023
(1) Cơ bản các chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt mục tiêu; 02 chỉ tiêu không đạt là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, song thu ngân sách nội địa của tỉnh dự kiến vẫn đạt trong top 8 tỉnh thu cao nhất cả nước;
(2) Giải ngân đầu tư công đứng thứ 7/63 địa phương; tỷ lệ giải ngân và khối lượng giải ngân cao nhất từ 2016 đến nay;
(3) Lần đầu tiên cả 3 chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX nằm trong nhóm 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước; chỉ số chuyển đổi số đứng thứ 12, kinh tế số trong cơ cấu kinh tế nằm trong top 10 của cả nước... Thu hút đầu tư vượt xa mục tiêu kế hoạch năm.
(4) Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được quan tâm, các hoạt động văn hóa tinh thần, đời sống nhân dân được quan tâm triển khai.
(5) Phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ có nhiều kết quả tích cực.
|