88 nguồn thải được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động

Thứ hai, 03/12/2018 10:27
(ĐCSVN) – Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, tổng lưu lượng nước thải công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh này là khoảng 470.000m3/ngày, trong đó nước thải công nghiệp khoảng 170.000m3/ngày, nước thải đô thị khoảng 300.000m3/ngày. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, các nguồn nước thải trên đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Xử lý nước thải ngay từ nguồn, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường
đồng thời hạn chế gia tăng ô nhiễm (Ảnh: K.V)

Với lưu lượng trên, việc quản lý chất lượng nước thải của các nguồn thải công nghiệp và đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một trong những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Để xử lý nguồn nước thải trên địa bàn hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh Bình Dương đã đưa ra biện pháp cụ thể.

Theo đó, để kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống, từ năm 2011, tỉnh Bình Dương đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động giai đoạn 1, đồng thời xây dựng Trạm điều hành trung tâm đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Việc đưa hệ thống quan trắc tự động giai đoạn 1 đi vào hoạt động đã giúp Bình Dương giám sát được tình hình vận hành hệ thống xử lý nước thải của 21 chủ nguồn thải, kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của 6 khu công nghiệp với lưu lượng hơn 30.000m3/ngày, chiếm gần 25% tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2012 đến 2015, tỉnh Bình Dương đã tiếp tục đầu tư 38 tỷ đồng lắp đặt 3 trạm quan trắc nước mặt và 3 trạm quan trắc nước dưới đất tự động; lắp đặt hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho 31 nguồn thải là các khu, cụm công nghiệp mới, các nguồn thải có lưu lượng 1.000m3/ngày trở lên, các nguồn thải đặc thù như thuộc ngành nghề ô nhiễm cao, thường xuyên bị khiếu nại về môi trường. Các nguồn thải này cũng đã tự đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định, hướng dẫn của tỉnh và kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 88 nguồn thải đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động; có 5 doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động. Hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng và công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, hệ thống đã kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của hơn 80% tổng lượng nước thải công nghiệp và gần 30% tổng lượng nước thải đô thị. Qua đây giúp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương có thể lấy mẫu phân tích nước thải tại những thời điểm các chủ nguồn thải không vận hành hệ thống xử lý hoặc xả lén nước thải ra ngoài môi trường, làm cơ sở pháp lý để xử lý các chủ nguồn thải vi phạm bảo vệ môi trường. Thông qua hệ thống quan trắc tự động, năm 2018, Bình Dương đã phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 14,1 tỷ đồng.

Có thể thấy, từ khi lắp đặt các thiết bị giám sát, chủ các nguồn thải nhất là chủ đầu tư các khu công nghiệp đã chú trọng hơn công tác vận hành hệ thống xử lý nước, tình trạng xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường cơ bản đã được khắc phục. Kết quả quan trắc cho thấy số nguồn thải thường xuyên xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước đây khoảng 40% đến 50% và hiện đã đạt trên 90%.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, thời gian tới, Sở này sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến việc quy định đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động phải dựa trên công suất thiết kế theo như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời mở rộng đối tượng phải lắp đặt là các lò đốt chất thải, các lò dầu tải nhiệt có công suất lớn.

Đồng thời Sở sẽ nghiên cứu xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh theo hướng đơn giản hơn, dễ hiểu hơn để doanh nghiệp dễ thực hiện; đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống phần mềm để kết nối dữ liệu quan trắc tự động của tỉnh Bình Dương về Trung ương trên cơ sở đồng bộ cấu hình phần mềm đang sử dụng để không mất dữ liệu đang lưu giữ tại trạm điều hành trung tâm.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, thời gian qua, công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường luôn được tỉnh này quan tâm, trong đó, các ngành chức năng và địa phương đã thực hiện đúng chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong việc lựa chọn thu hút các nhà đầu tư tại địa phương. Đối với các ngành nghề có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố ô nhiễm môi trường nằm trong danh mục ban hành thì xem xét cụ thể, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định cho phép đầu tư thực hiện dự án, kiên quyết từ chối những dự án không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh này hạn chế tối đa việc thu hút những dự án có lưu lượng nước thải lớn, kể cả trong và ngoài khu công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đã có những chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đi đôi với khuyến khích đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, từ đó từng bước kiểm soát ô nhiễm, nâng cao công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Để phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục và cải thiện chất lượng môi trường các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, tỉnh Bình Dương cũng đã đề ra các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án trọng tâm và các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ưu tiên thu hút các ngành nghề sạch, công nghệ sản xuất tiên tiến.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau khi cấp phép đầu tư; kiên quyết không cho những cơ sở mới chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định đi vào hoạt động, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra môi trường, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt được Ủy ban nhân dân tỉnh này cho phép.

Liên quan đến việc sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực môi trường, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016- 2020, tỉnh dành nguồn kinh phí dự kiến khoảng 13.230 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó nguồn vốn ODA chiếm khoảng 7.619 tỷ đồng./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực