Ngày 26/3 tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 3/2019.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Mai Đức Thắng cho biết, tính đến hết tháng 2/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trong toàn quốc là 6.654 tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm 2018 tăng 1.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ chiếm 2,7% số phải thu. Nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành và tỷ lệ nợ đều tăng, tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh có số nợ tăng mạnh.
Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 3/2019. (Ảnh: ĐT)
Chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng nợ đọng bảo hiểm, ông Mai Đức Thắng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do quy định về quản lý và xử lý nợ chưa có, vì vậy doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ.
Cùng với đó, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động sử dụng vào mục đích khác.
Trong tổ chức thực hiện, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ sử dụng lao động cũng chưa tốt. Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng vẫn cố tình chây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, do quý I/2019, một số doanh nghiệp dành tiền để chi thưởng Tết cho người lao động nên chưa tập trung cho đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Một nguyên nhân khác được ông Mai Đức Thắng đưa ra, đó là vai trò của công đoàn cơ sở. Tiếng nói của công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở đa số doanh nghiệp còn hạn chế, vì chủ tịch công đoàn cơ sở ăn lương doanh nghiệp nên khó đấu tranh.
Để giảm thiểu số nợ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố giao ban hàng tháng báo cáo tình hình thu và nợ, xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp. Ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản yêu cầu cán bộ chuyên quản thu ở địa phương bám sát doanh nghiệp, hàng ngày phải đôn đốc, định kỳ 15 ngày doanh nghiệp vẫn không nộp thì lập biên bản và qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo giám đốc để thành lập đoàn thanh tra, xử phạt.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ ngay từ tháng đầu năm, thông báo đến Bảo hiểm xã hội các tỉnh, làm cơ sở để phấn đấu thực hiện với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội thấp hơn năm 2018. Cơ quan này cũng thực hiện thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trên cơ sở thông tin từ phần mềm dữ liệu quản lý trên toàn quốc. Với những doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra, phần mềm này sẽ tiến hành cảnh báo. Các địa phương khi thấy có cảnh báo trên phần mềm, phải lập đoàn thanh tra để thanh tra, đôn đốc. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động....) cùng cấp nhằm báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.
Biện pháp mạnh khác được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện, đó là công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng trên phương tiện đại chúng; với những doanh nghiệp đã bị lập biên bản nhưng vẫn cố tình trốn đóng, Bảo hiểm xã hội sẽ lập hồ sơ chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hàng tháng phải báo cáo kết quả về đôn đốc thu và thu nợ với các doanh nghiệp để cấp ủy, chính quyền địa phương biết, có văn bản chỉ đạo.
Làm rõ thêm, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, công tác thu 3 tháng đầu năm vẫn giữ được tiến độ chung như mọi năm, chiếm 21% số thu. Năm 2019, có nhiều nội dung Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải phấn đấu thực hiện, trong đó có chỉ tiêu giảm nợ so với năm 2018 (năm 2018 nợ là 1,7%), chỉ tiêu nợ này gắn với quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vì vậy, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo duy trì tỷ lệ nợ thấp liên tục từ tất cả các tháng trong năm. Để đạt được mục tiêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ đến từng cá nhân chuyên quản lý thu, hàng tháng, quý đánh giá tỷ lệ giảm nợ để làm căn cứ bình xét hiệu quả công việc; hàng quý sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm nợ.
Theo thông tin từ Ban Thu – Bảo hiểm xã hội Việt Nam, không ít doanh nghiệp hiện có số nợ bảo hiểm xã hội lên đến hàng chục tỷ đồng. Điển hình là Công ty Cổ phần LILAMA 3 (Mê Linh – Hà Nội) nợ 32,2 tỷ đồng; Cty TNHH Nam Phương (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) nợ 28,9 tỷ đồng; các Công ty cổ phần Mai Linh miền Nam, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) nợ 27,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 - Hà Nội, Công ty cổ phần Cầu 12, Cty trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment, Chi nhánh Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên VINAXUKI – Nhà máy sản xuất ô tô số 1, Công ty cổ phần cơ khí xây dựng 121 - CIENCO1… có số nợ bảo hiểm xã hội từ 17 – 20 tỷ đồng./.