Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 110km đường thủy nội địa, với hơn 60 cảng, bến thủy nội địa, 21 luồng sông, rạch có phương tiện thủy thường xuyên lưu thông trên các sông: Dinh, Thị Vải, Cửa Lấp, Chà Và… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 2 nghìn phương tiện thủy đang hoạt động. Thời gian gần đây, mặc dù trên các tuyến đường thủy nội địa của tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào, nhưng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn, nhất là trong mùa mưa bão.
Khu neo đậu tàu, thuyền của thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: NS)
Theo lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy, Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu, các phương tiện hoạt động ở bến đò tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, nhất là vào mùa mưa bão. Hầu hết các phương tiện này không có biển kiểm soát, không kiểm định an toàn kỹ thuật, không trang bị phao cứu sinh, không có hệ thống phòng, chống cháy nổ, đệm chống va, đèn chiếu sáng ban đêm...
Bên cạnh đó, nhiều phương tiện được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy cũng chưa chú trọng công tác bảo đảm an toàn. Nhiều hành khách đi trên sông không mặc áo phao khi phương tiện lưu thông.
Hiện nay, các thuyền máy nhỏ, hình thoi, gắn máy di chuyển rất nhanh, là phương tiện phổ biến ở các tỉnh miền Tây chưa được đăng ký, đăng kiểm nhưng hoạt động khá nhiều tại các tuyến sông ở huyện Tân Thành, với khoảng 300 chiếc. Phương tiện này được người dân sử dụng để chở người, hàng hóa từ bờ ra bè nuôi trồng thủy sản.
Khảo sát từ các vụ vi phạm cho thấy, nhận thức của ngư dân về an toàn giao thông đường thủy còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 60% đối tượng đáp ứng được các yêu cầu về bằng cấp và các chứng chỉ chuyên môn. Rất nhiều chủ tàu không quản lý được nhân thân, lý lịch của thuyền viên. Không được đào tạo bài bản, không thường xuyên cập nhật những quy định về giao thông thủy, luật an toàn hàng hải nên nhiều ngư dân còn hạn chế về kiến thức giao thông đường thủy.
Lãnh đạo Cảng vụ Vũng Tàu cho biết, trong các vụ tai nạn có liên quan đến tàu cá tại các luồng thủy nội địa, có tới 85% do ngư dân không có kiến thức về an toàn hàng hải, nhất là những lúc bão biển, những phương tiện tàu cá hoạt động trên biển đều không có phương tiện ra đa định vị hay liên lạc nên khi xảy ra sự cố, nhiều tàu thuyền không thể kêu gọi cơ quan chức năng đến ứng cứu và cơ quan chức năng có biết cũng phải tốn nhiều thời gian mới có thể ứng cứu được.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông đường thủy cho gần 500 cư dân ven sông, biển trên địa bàn huyện Long Điền; đồng thời phát hơn 300 tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân và chủ các cảng, bến thủy nội địa. Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy cũng đã xử phạt trên 400 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy, thu nộp ngân sách 233 triệu đồng, trong đó đã xử phạt 10 chủ phương tiện xuồng máy nhỏ không có đăng ký, đăng kiểm. Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử phạt 84 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 375 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: chở hàng vượt mức nước an toàn của phương tiện; không có bằng thuyền trưởng; làm nhà nổi trái phép trên sông, đón trả khách; hàng hóa không đúng nơi quy định…
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông thủy trên địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Riêng đối với phương tiện vỏ lãi, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt phương tiện là xuồng máy nhỏ và bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm mới cho hoạt động vì nguy cơ mất an toàn của phương tiện này rất cao.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban và các ngành chức năng cùng các địa phương sẽ tiếp tục gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương đối với công tác quản lý, chỉ đạo trong công tác phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra an toàn tàu khách, bến đò khách ngang sông... trên địa bàn tỉnh./.