Bắc Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả Dự án 1 Chương trình 1719

Chủ nhật, 20/10/2024 09:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) trên 1.616 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 trên 734 tỷ đồng, đến 30/6/2024 tỉnh đã thực hiện giải ngân trên 155 tỷ đồng.

Sau thời gian thực hiện, Chương trình 1719 đã đạt được những kết quả nhất định. Một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển rõ rệt.

Đối với Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) thuộc Chương trình 1719, nhiều hộ gia đình được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt… 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 46 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 322 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 7 hộ;…

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang dự kiến hỗ trợ 217 hộ dân tộc thiểu số cải thiện về nhà ở với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng. Năm 2025, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu hỗ trợ 136 hộ làm nhà ở, 512 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 3.486 hộ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung;…

 Hộ gia đình dân tộc thiểu số thôn Cả, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được hỗ trợ xây nhà ở. (Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang) 

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cho thấy việc thực hiện Dự án 1 còn một số khó khăn và hạn chế, vì thế, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đề nghị UBND các huyện quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung:

Đối với các nội dung Dự án 1 đã thực hiện năm 2022, 2023: Chỉ đạo rà soát lại quy trình thực hiện, thiết lập hồ sơ hoàn thành Dự án 1 (Có danh mục hồ sơ hoàn thành Dự án 1 kèm theo); tổ chức đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế theo đúng quy định

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách đối với các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các nội dung có liên quan đến hỗ trợ trực tiếp cho người dân là đối tượng thụ hưởng, để người dân biết, hiểu rõ chính sách, xác định nội dung, hình thức hỗ trợ cho phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định; Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

Rà soát, phê duyệt các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở, bao gồm cả đối tượng đề nghị nội dung hỗ trợ sửa chữa, cải tạo nhà ở. Sau khi phê duyệt gửi danh sách đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tổ chức thực hiện việc vay vốn theo quy định tại Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 02/2023/TT-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.

Về việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện (các hộ dân nhận lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác) gửi Phòng Dân tộc/cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ dân, tối đa 03 triệu đồng/hộ (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần). Trường hợp mua sắm hiện vật để cấp cho các hộ dân, định mức chi nêu trên đã bao gồm các chi phí phát sinh khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Về công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề: Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, danh sách các hộ dân đăng ký phương thức hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện gửi Phòng Dân tộc/cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ dân chỉ được hỗ trợ 01 lần).

Bên cạnh đó, Bắc Giang sẽ tiếp tục phát huy phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng được hưởng lợi, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình. Các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang sẽ tích cực, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện các dự án; phân cấp, trao quyền cho UBND xã, thôn, bản, quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất./.

Bùi An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực