Bài 2 - Để văn minh đô thị đi đôi với kinh tế - văn hóa vỉa hè

Thứ bảy, 22/04/2023 19:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhiều chuyên gia nhận định, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ là chủ trương đúng đắn. Nhưng để chủ trương này hiệu quả lâu dài thì cần phải quan tâm đến việc hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh với cộng đồng; cũng như quan tâm đến sinh kế của một bộ phận cư dân vốn đã gắn liền với các hoạt động “kinh tế vỉa hè”.

Bài 1 - Tín hiệu tích cực từ cuộc chiến “giành lại vỉa hè”

Sau những ngày Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, ở nhiều nơi, vỉa hè đã phong quang, sạch đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn những khu vực, chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội chưa được thực hiện nghiêm túc.

Vỉa hè phố Nguyễn Thiệp, quận Hoàn Kiếm bị lấn chiếm, du khách phải đi xuống lòng đường (Ảnh: Trường Quân)

Trong khi phần lớn các hộ kinh doanh tuân thủ quy định, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nhiều tuyến phố của các quận nội thành đã trở lên gọn gàng, thông thoáng thì vẫn còn một số tuyến phố như Cầu Đông, Nguyễn Thiếp (quận Hoàn Kiếm); Phùng Khắc Khoan (quận Hai Bà Trưng),…lại đang tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè bất chấp sự vào cuộc của lực lượng chức năng trên địa bàn. Theo quan sát, một số phố vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, bãi đỗ xe, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Thậm chí, nhiều cá nhân còn ngang nhiên lắp cả mái che để kinh doanh trên vỉa hè.

“Có những đoạn phố, chỉ cần "vắng bóng" lực lượng chức năng thì “đâu lại vào đó”. Khi có kiểm tra, họ nhanh chóng mang hết hàng quán cất vào trong; đợi lực lượng chức năng đi qua thì lại đưa ra bày như cũ. Người đi bộ như chúng tôi đa phần đi xuống lòng đường vì nhiều lúc lối đi trên vỉa hè gần như không còn”, chị Nguyễn Thi Thanh, quận Hoàn Kiếm phản ánh.

Thực tế, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ không phải là việc mới ở Hà Nội, đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ được triển khai để hiện thực hóa mục tiêu trên, tuy nhiên kết quả thu được tại các địa phương không đồng đều và chưa được như mong muốn. Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi kết quả thực hiện, tập hợp nguyên nhân tồn tại hạn chế, phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, không ít nơi, người dân vẫn không có vỉa hè để đi, và tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè vẫn tiếp tục tái diễn.

 Vỉa hè phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích (Ảnh: Trường Quân)

Tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã ngày 31/3 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định lòng đường, vỉa hè gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Do đó, vấn đề quan trọng là phải có các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh diễn ra trong thời gian dài còn có nguyên nhân bắt nguồn từ những hạn chế trong việc duy trì trật tự và thực hiện các chính sách an sinh xã hội dành cho người dân, những người mà sinh kế vốn gắn liền với các hoạt động “kinh tế vỉa hè”. Một số chính sách của cơ quan chức năng đưa ra cơ bản mới chỉ mang tính một chiều; nặng về mệnh lệnh hành chính; chưa hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh với lợi ích chung của cộng đồng. Do vậy, những đợt ra quân “giành lại vỉa hè” thường vấp phải sự phản ứng của một bộ phận người dân, bởi sinh kế bao năm của họ đã gắn với vỉa hè.

 TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. (Ảnh: PV).

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ là chủ trương đúng. Song, dù đã thực hiện cả chục năm, nhưng đến nay, việc này vẫn chưa đạt yêu cầu. Để duy trì được trật tự, cần phải phân loại vỉa hè để có giải pháp thích hợp, chứ không thể đánh đồng chung chung các loại vỉa hè với nhau. Giành vỉa hè cho người đi bộ nhưng cũng phải tính đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhỏ lẻ, “kinh tế vỉa hè”.

Còn theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị SGO Travel, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, việc quy hoạch và quản lý tốt vỉa hè sẽ mang lại lợi ích rất lớn, đặc biệt gia tăng sức hấp dẫn của du lịch đô thị. “Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng vỉa hè phải được ưu tiên số 1 cho người đi bộ, ưu tiên thứ 2 là các dịch vụ công cộng như có thể đặt ghế ngồi nghỉ, biển, bảng chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng,… rồi mới đến việc bán hàng, làm kinh tế. Ở nhiều khu vực đông khách, nếu vỉa hè có đủ độ rộng thì có thể phát triển kinh tế vỉa hè. Làm kinh tế vỉa hè tốt thậm chí còn có tác dụng giúp cho người dân có ý thức trang trí mặt tiền của các dãy phố, tòa nhà. Những con phố đẹp đương nhiên sẽ hút khách, cả địa phương và quốc tế”, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia về lĩnh vực này, lập lại trật tự vỉa hè đang là bài toán khó với nhiều địa bàn ở Hà Nội. Để giải bài toán này, đòi hỏi thành phố cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, vấn đề quan trọng cần thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn đặc thù, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Hà Nội cần quan tâm đến sinh kế của một bộ phận cư dân vốn đã gắn liền với các hoạt động “kinh tế vỉa hè”. (Ảnh: Trường Quân)

Đồng thời, Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè có trả phí, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường ở những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, đơn vị chức năng công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của người dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện. Trước mắt, có thể sớm triển khai thí điểm làm trước một số khu vực phù hợp, hoặc các “điểm nóng” về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp với kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với bộ phận dân cư có sinh kế vốn gắn liền với các hoạt động “kinh tế vỉa hè”; từ đó, tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền trong việc lập lại trật tự vỉa hè./.

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực