|
Du khách thoải mái đi bộ trên vỉa hè tại phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trường Quân
|
Qua quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, lòng đường tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội như Hàng Đào, phố Huế (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy); Kim Mã (quận Ba Đình)… đã trở nên gọn gàng và thông thoáng hơn so với trước đây…
Chị Nguyễn Thu Hà, một người dân sinh sống tại phố Hàng Đào cho biết, tuyến phố hiện đã không còn hàng quán lấn chiếm vỉa hè, đôi khi vẫn còn xe máy đỗ trên vỉa hè, nhưng không còn lấn chiếm phần đường của người đi bộ như trước. "Tôi thấy đợt ra quân của Thành phố lần này rất có hiệu quả; đường phố cơ bản gọn gàng, thoáng hơn. Các xe trật tự đô thị hay xe cảnh sát giao thông đã thường xuyên đi nhắc nhở và xử phạt đối với những người cố tình vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường", chị Hà nói thêm.
Thực tế, thông qua việc tuyên truyền rộng rãi với nhiều nội dung, hình thức phong phú, nhìn chung ý thức chấp hành của người dân, nhất là các hộ kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt. Trên nhiều tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai hay Hàng Cót, người dân đã tự giác chấp hành quy định về khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường. Nhờ đó, đã hạn chế tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Nhiều người dân đều bày tỏ vui mừng và hy vọng chiến dịch giành lại vỉa hè sẽ được duy trì lâu dài.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, biện pháp ưu tiên của phường là vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình; ký cam kết không vi phạm, như tháo dỡ mái che di động, hộp đèn, biển hiệu nhô ra không gian vỉa hè, thu dọn bàn ghế, vật dụng kinh doanh... Nhờ đó, ý thức của người dân đã chuyển biến rõ rệt, hạn chế nhiều những hành vi lấn chiếm vỉa hè.
Thông tin từ UBND Thành phố Hà Nội, sau khoảng một tháng, cơ quan chức năng các cấp đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt thành tiền 9,2 tỉ đồng. Một số đơn vị có kết quả kiểm tra, xử lý cao là: quận Hoàng Mai (1.554 trường hợp), quận Đống Đa (1.129 trường hợp), quận Hoàn Kiếm (653 trường hợp), thị xã Sơn Tây (140 trường hợp)…
Thực tế, những chuyển biến tích cực sau hơn 1 tháng Hà Nội ra quân “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ là kết quả sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp tại các quận nội thành, và tinh thần trách nhiệm của đại bộ phận người dân. Đóng góp vào kết quả đó, có phần không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã có nhiều nội dung phản ánh về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, những tồn tại trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường tại nhiều địa phương. Đây là kênh thông tin quan trọng, có giá trị giúp các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình, có biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Văn bản phản hồi kết quả xử lý sau phản ánh của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TL
|
Với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tính riêng trong thời gian vừa qua, Báo đã có đã có nhiều nội dung phản ánh về tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường và buôn bán hàng rong tại một số tuyến phố, điểm du lịch của Hà Nội. Có thể kể đến các bài viết như: “Hà Nội: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn do đường nội bộ, vỉa hè bị chiếm dụng”; “Cần chấn chỉnh tình trạng mất mỹ quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”; “Phố Hồ Đắc Di, Hà Nội: Không gian công cộng đang bị xâm phạm”; “Chiếm dụng và xây dựng không phép tại địa chỉ 44 Yên Phụ - Ba Đình”;…. Nội dung phản ánh cho biết, tại tòa nhà Times Tower (số 35 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), thời gian qua, phần diện tích theo quy hoạch làm đường đi chung, hành lang phòng cháy, chữa cháy đang bị một số người tự ý chiếm dụng để làm bãi trông giữ xe và kiốt kinh doanh quán cafe. Hoặc tại địa chỉ số 44 đường Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Ba Đình (Hà Nội). Tại đây, Công ty Cổ phần Tháp nước Hà Nội đã tự ý cải tạo, chiếm dụng và sử dụng sai mục đích một phần diện tích vỉa hè khá lớn. Còn tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vào những ngày lễ, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần khi đến đây, du khách không khỏi có những ấn tượng xấu trước cảnh bán hàng lộn xộn, chèo kéo khách,... gây phản cảm. Phía cổng sau vào di tích có dịch vụ trông xe máy tự phát, không phép, kèm bán hàng ăn, đồ lưu niệm, quần áo…
|
Sau phản ánh của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã không còn tình trạng bán hàng lộn xộn, chèo kéo khách. Ảnh: Trường Quân |
Sau các nội dung phản ánh của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xác minh và xử lý kịp thời. Cụ thể, theo văn bản phản hồi của lực lượng Công an các Quận Hoàn Kiếm, Quận Cầu Giấy, Công an phường Quốc Tử Giám về tòa soạn Báo hiện nay:
Hàng ngày, Công an phường Quốc Tử Giám đều phân công 01 Tổ công tác gồm 01 đồng chí Cảnh sát Trật tự, 02 đồng chí tự quản thường xuyên duy trì về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn phường, trong đó có tuyến phố Quốc Tử Giám. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 09 trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, kinh doanh với tổng số tiền là 1.700.000 đồng.
Tương tự tại quận Hoàn Kiếm, Công an quận đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm. Đã lập biên bản, xử lý 53 trường hợp phạt hành chính hơn 132,5 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm sử dụng trái phép hè phố. “Đến nay, tình hình vi phạm trật tự đô thị tại phố Đinh Liệt theo nội dung báo nêu đã được giải quyết cơ bản. Công an quận tiếp tục bố trí lực lượng duy trì giải quyết không để vi phạm tái diễn”, văn bản phản hồi báo chí của Công an quận Hoàn Kiếm nêu rõ.
Dư luận đánh giá cao việc vào cuộc nhanh chóng, nghiêm túc của Công an quận Hoàn Kiếm, UBND quận Đống Đa, Công an phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) trong nắm bắt thông tin, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo phản ánh của cơ quan báo chí. Những chuyển biến tích cực đó đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc tiếp thu phản ánh từ các cơ quan báo chí, đồng thời, khẳng định quyết tâm “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ, cũng như tinh thần làm việc khẩn trương, quyết liệt, vì người dân của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp tại Thủ đô.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, tại một số địa bàn của Hà Nội, việc “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ đang có những vướng mắc nhất định đòi hỏi cần sớm được giải quyết kịp thời để sớm trả lại vỉa hè cho người đi bộ, hướng đến xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, phát triển./.