Bài 2 (kỳ cuối): Niềm vui được "định danh" và chiếc cổng làng đoàn kết

Vị già làng mang sắc phục Công an ở Thượng Minh
Thứ hai, 15/01/2024 09:57
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Do việc 140 nhân khẩu ở thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) tự nhận mình là dân tộc "Thủy" nên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi làm Căn cước công dân. Từ khi có sự vào cuộc rất tích cực của Công an tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang, bà con đã đồng ý ghép vào nhóm dân tộc Pà Thẻn, nên đã được cấp Căn cước công dân, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi.

Bài 1: Trăn trở cấp Căn cước công dân cho cộng đồng tự nhận là dân tộc "Thủy" ở Tuyên Quang

Tại những buổi lễ ấm cúng như vậy, Đại tá Thùy đều tâm sự với bà con: "Đây là CCCD nhé. Đây là sự công nhận chính thức tất cả địa vị pháp lý của bà con, là công dân Việt Nam. Từ CCCD này, bà con được hưởng đầy đủ quyền lợi, chế độ chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước!". Từ những tấm CCCD này, cộng đồng người Pà Thẻn - Thủy ở Thượng Minh đã hưởng những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào thiểu số để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt…

 Các em học sinh làng Thượng Minh trong lần về thăm Thủ đô, vào Lăng viếng Bác. Ảnh: CTV

Một trong những người Thủy được cấp CCCD sớm nhất ở Thượng Minh là bà Lý Thị Xuân, 64 tuổi. Chúng tôi gặp bà Xuân tại lớp tập huấn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Nhà văn hóa thôn Thượng Minh vào một ngày giữa tháng 10/2023, bà đến đây với vai trò là một giáo viên thực hành, nghệ nhân hướng dẫn lớp hậu thế. Khi được hỏi về tấm CCCD, bà Xuân lần tìm trong chiếc túi đeo bên người, lấy ra tấm CCCD gói kĩ trong bọc nilon và khoe với chúng tôi: "Tôi là người Thủy, chồng tôi là người Pà Thẻn. Các con cháu của tôi đều khai theo dân tộc Pà Thẻn để hưởng chính sách. Mấy năm trước không có CCCD, chúng tôi đi khám bệnh cũng khó. Nay có giấy tờ đầy đủ, thì mọi việc dễ hơn. Người Thủy xưa nay vẫn sống cùng các dân tộc khác, nhưng người ta có đầy đủ giấy tờ, hưởng ưu đãi. Khi không có giấy tờ, chúng tôi ngại lắm. Anh Thùy giúp chúng tôi thế, bà con rất biết ơn. Giờ không ngại nữa, tôi còn tham gia lớp dạy nghề dệt cho người Pà Thẻn. Quần áo người Thủy nhiều màu đen trắng và xanh dương, quần áo người Pà Thẻn nhiều màu sắc hơn, nhưng dệt giống nhau".

Là người tích cực phối hợp, đồng hành cùng các tổ công tác làm CCCD, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang, anh Ma Đình Quan cho biết, trước đây, việc quản lý dữ liệu dân cư chủ yếu được thực hiện bằng giấy viết tay. Trong CMTND của người Thủy sinh sống ở Thượng Minh có ghi Dân tộc là Thủy theo đề nghị của bà con và không phát sinh nhiều vấn đề. Từ những năm 2014-2015, các em học sinh đăng ký tuyển sinh một số trường học, rồi sau này người dân đăng ký thực hiện các dịch vụ qua mạng cũng như thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có phần lựa chọn dân tộc thì bà con không thực hiện được, do trong danh sách 54 dân tộc được công nhận ở Việt Nam không có tên dân tộc Thủy.

 Các đại biểu dự lễ khánh thành cổng làng văn hóa Thượng Minh. Ảnh: CTV

Sau khi bà con phản ánh, cấp ủy chính quyền địa phương đã tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, để được công nhận là một dân tộc riêng thì rất khó khăn vì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Nhờ sự vận động của Công an tỉnh Tuyên Quang và các ngành, nhất là Đại tá Đỗ Tiến Thùy, bà con nhận ra lợi ích của việc ghép vào cùng dân tộc Pà Thẻn nên đã đồng tình… "Người Thủy nói riêng và bà con ở Thượng Minh nói chung rất quý mến anh em Công an và bác Thùy, coi bác như vị già làng, trưởng bản" - anh Ma Đình Quan tâm sự.

Là cán bộ làm công tác Văn phòng, thống kê của xã Hồng Quang, chị Lý Thị Toàn, 36 tuổi, cũng là người Thủy ở Thượng Minh cho biết thêm, từ 2016, do vướng mắc về phần khai thành phần dân tộc, người Thủy rất khó làm chứng minh nhân dân, sau là CCCD.

Do vậy ảnh hưởng lớn đến đời sống, an sinh xã hội của bà con người Thủy, đặc biệt với các em học xong cấp 3 muốn đi học tiếp hoặc đi làm công ty; một số cá nhân, hộ gia đình muốn vay vốn phát triển kinh tế cũng không được vì thiếu giấy tờ tùy thân.

Nói về ý tưởng "ghép tộc", chị Toàn cho biết: "Sau khi anh Thùy cùng các đồng chí Công an, các ban ngành của tỉnh nêu giải pháp ghép người Thủy vào dân tộc Pà Thẻn, mọi khó khăn dần được giải quyết, chế độ chính sách của bà con được đảm bảo đầy đủ. Người Thủy ở Thượng Minh rất biết ơn anh Thùy.

 Bà Lý Thị Xuân: "Có CCCD, mọi việc thuận lợi hơn. Bà con rất cảm ơn”.

Anh Thùy còn rất gắn bó với Thượng Minh, thường xuyên thăm hỏi, vận động các nhà tài trợ tặng quà bà con Thượng Minh. Nhiều gia đình người Thủy chúng tôi coi anh Thùy là thành viên trong gia đình. Mỗi lần anh lên, mọi người đều quấn quýt muốn anh ở lại thật lâu. Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ thuê cả xe 45 chỗ để về quê anh Thùy ở Nam Định; nhờ mọi người dưới xuôi chuẩn bị giúp dụng cụ, chúng tôi sẽ mang lợn bản, rau rừng xuống làm món ăn thết đãi mọi người"…

Chúng tôi gặp Đại tá Đỗ Tiến Thùy vào một buổi chiều giữa mùa thu xứ Tuyên nắng hoe vàng. Bên ấm trà nóng, anh tâm sự về những tháng ngày bám thôn bản chỉ đạo các tổ công tác thực hiện Đề án 06 tại Thượng Minh. Đại tá Đỗ Tiến Thùy kể: "Xong phần CCCD, tôi hỏi, bà con đã đồng ý chuyển đổi như vậy, giờ bà con muốn nhận quà gì? Sau đó, Công an tỉnh đứng ra vận động các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh ủng hộ tiền, hiện vật. Con bò là tài sản mơ ước của nhiều hộ nghèo đã thành hiện thực, nay đã có bò mẹ đẻ được vài lứa. Rồi tặng sách, gạo, đường điện, xe máy… Chúng tôi cũng xây nhà tặng một số hộ và tổ chức cho bà con đón Tết. Ở Thượng Minh, người Pà Thẻn ăn Tết 2 lần. Tết tháng 9 âm lịch này là dịp tiễn thần sấm (họ quan niệm hết mưa gió, thóc lúa ngô khoai vào bồ cả rồi, thì dùng lúa mới, ngô mới làm lễ cúng, xin một năm mới mùa màng bội thu) và Tết Nguyên đán như người Kinh".

Một món quà rất ý nghĩa với bà con Thượng Minh là chiếc cổng làng. Đó là chiếc cổng được xây cất khang trang bằng bê tông cốt thép, kinh phí khoảng 50 triệu đồng, là số tiền cá nhân Đại tá Đỗ Tiến Thùy dành tặng bà con, ứng trước từ tiền lương của anh. Ngày khởi công, bà con hồ hởi góp công, mỗi người mỗi việc, có người lái xe công nông đi xuống bờ suối chở đá cuội về trang trí thân cột…

Đến khi chiếc cổng hoàn thành, chính Đại tá Đỗ Tiến Thùy lựa chọn cái tên "Làng văn hóa Thượng Minh". Nói về việc này, anh cho biết, có ý kiến đề nghị đặt tên là "Làng văn hóa Pà Thẻn" do văn hóa Pà Thẻn khá đặc trưng với thuật "Nhảy lửa" và Thượng Minh cũng là nơi có đông bà con Pà Thẻn sinh sống. Nhưng tôi thấy trong làng có cả người Tày, người Dao, người Nùng, người Thủy, người Pà Thẻn, người Kinh đang sinh sống rất chan hòa; nên đề nghị đặt cái tên đơn giản là: "Làng văn hóa Thượng Minh" để giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc trong thôn làng.

Tại lễ khánh thành chiếc cổng làng, Đại tá Đỗ Tiến Thùy xúc động phát biểu: "Đây là món quà tôi tặng bà con, bà con đi qua cái cổng này hàng ngày, coi như là anh em về cùng một nhà với nhau. Rất mong bà con luôn đoàn kết, đồng lòng làm ăn xây dựng nông thôn mới…".

Với những việc làm ý nghĩa đó, các tổ công tác của Công an tỉnh Tuyên Quang ở Thượng Minh được cán bộ và người dân địa phương quý mến, tin yêu, và qua đó họ tin tưởng, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện Đề án 06 ở Thượng Minh nói riêng và các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang nói chung, đạt được nhiều kết quả khả quan. Với đại tá Đỗ Tiến Thùy, anh được bà con Thượng Minh trân trọng coi như vị "Già làng - Trưởng bản", như một người thân thiết trong nhà. Hễ biết tin "Già làng Thùy" về Thượng Minh, bà con lại kéo ra gặp, mời mọc về nhà trò chuyện bên ấm trà nóng hoặc bữa cơm gia đình đầm ấm… "Có lần tôi về Thượng Minh, một bà cụ 80 tuổi yếu rồi, nhưng vẫn bảo con cháu rằng, 'Chúng mày phải chở tao ra đó gặp bác Thùy'. Cụ đến ăn cơm cùng chúng tôi, không uống rượu được nhưng tâm sự, cảm ơn tôi và anh em đã giúp bà con được ổn định cuộc sống, làm ăn thuận lợi hơn".

Mới đây, Đại tá Đỗ Tiến Thùy còn phối hợp với địa phương tổ chức cho các cháu học sinh giỏi cùng cô giáo ở Thượng Minh về xuôi thăm Lăng Bác và những danh lam, thắng cảnh của Thủ đô. Đây là dịp để các cháu được mở mang tầm nhìn, thêm nỗ lực học hành. Các cháu vui lắm, khi về còn viết thu hoạch gởi gắm suy nghĩ, nguyện vọng của mình phấn đấu trở thành người hữu ích…

Rõ ràng từ thực tế Thượng Minh, việc ban hành chủ trương, chính sách cần bám sát quy luật vận động, phát triển của đời sống xã hội, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Và một điều quan trọng nữa, để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, làm thay đổi tích cực đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cần những cán bộ đủ tầm, đủ tâm biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Duy Hiển - Viết Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực