|
Quá trình đô thị hóa nhanh, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến cho các giải pháp chống ngập chưa đạt hiệu quả như mong muốn. |
Thiếu đồng bộ trong quy hoạch
Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý bài toán về ngập nước. Kết quả cho thấy, số điểm ngập trước đây đã giảm đáng kể, đồng thời về chiều sâu ngập, thời gian ngập cũng có giảm. Cụ thể, trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4 - 6 tiếng, nhưng hiện nay ngập chỉ kéo dài 15 đến 40 phút sau mưa.
Từ đầu năm đến nay, TP có mưa trên diện rộng, trong đó có vài trận mưa lớn, với vũ lượng từ 70mm đến 112,3mm đã gây ngập 22 tuyến đường (năm 2008 là 126 tuyến đường) gồm: Nguyễn Văn Khối, Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân…
Tuy nhiên, đây chỉ là những tuyến đường lớn, trên thực tế còn có rất nhiều tuyến đường nhỏ, các con hẻm tình trạng ngập xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người dân TP và gây những bức xúc trong dư luận.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập tại TP, một số chuyên gia nghiên cứu ngành nước cho rằng có 2 nguyên nhân cơ bản gây ra ngập úng: tình trạng ngập lụt do đặc điểm tự nhiên, địa hình, thủy triều, mưa và lũ thượng nguồn, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu; do con người gây ra như do yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, năng lực quản lý và ý thức của người dân…
Từ đó, các chuyên gia cũng cho rằng, TP cần phải có quy hoạch tổng thể và các giải pháp phải có tính đồng bộ. TP. Hồ Chí Minh cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Việc khôi phục các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ.
Hơn nữa, hiện nay, trước thực trạng sụt lún, nước biển dâng, ngập lụt ngày càng nghiêm trọng thì ngay từ bây giờ TP. Hồ Chí Minh cần có nghiên cứu bài bản, cho ra những con số chính thức và tính đến chuyện xây dựng quy hoạch sống chung với nước. Trong đó, cần chỉ rõ những vùng chấp nhận chịu ngập để người dân có kế hoạch thích nghi, thích ứng. Những khu vực trọng yếu có thể giữ sẽ được tập trung kinh phí, bao đê quyết liệt, bảo đảm 100% không ngập. Và điều cần thiết là phải xây dựng kịch bản cho những thảm họa đã được cảnh báo.
Thêm vào đó, trên thực tế hiện nay, có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh đang tồn tại quản lý đơn ngành, thiếu sự phối hợp tốt giữa Sở Giao thông Vận tải trong việc làm đường, Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng nhà ở, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cấp phép quy hoạch. Điều này, các chuyên gia cho rằng, cần sớm khắc phục để việc chống ngập của TP đạt hiệu quả.
|
TP hiện đang đẩy mạnh việc nạo vét kênh rạch đảm bảo khả năng thoát nước. |
Phải làm sao giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất
Đánh giá về công tác chống ngập hiện nay của TP, ông Hồ Long Phi, Giám đốc trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phải công tâm thừa nhận công tác chống ngập của TP là có hiệu quả. Bởi vào thời điểm những năm 2007-2008, TP có khoảng 150 điểm ngập, nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 30 điểm. Ông Phi cho rằng, hướng mình đang đi là đúng và hướng đó thế giới họ cũng đã áp dụng từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, do chúng ta triển khai thực hiện còn quá ít, mới được khoảng 30%. Nguyên nhân bởi nhu cầu về vốn quá lớn, trong khi thực tế chúng ta không có khả năng đáp ứng. Thêm vào đó lại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tăng theo thời gian, thông số mưa không ổn định, làm cho những thiết kế về chống ngập của mình lạc hậu khiến cho hiệu quả giảm dần.
Vậy đặt câu hỏi chống ngập như hiện nay của TP đã đủ chưa? Ông Phi cho rằng chưa đủ vì chúng ta mới chỉ ngăn chặn nguyên nhân. Mục đích chiến lược kiểm soát ngập tích hợp không phải chỉ dừng lại ở việc hạn chế tình trạng ngập mà là giúp giảm thiểu thiệt hại do ngập xuống đến mức thấp nhất.
Do đó theo ông Phi, TP cần phải triển khai các nhóm giải pháp để hướng đến một chiến lược kiểm soát ngập bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu: vừa phải ngăn chặn (đang làm và tiếp tục làm); thích nghi (đảm bảo không gian dành cho nước trong đô thị như: trữ, thoát và thấm nước) đồng tăng cường chống chịu (giảm nhẹ thiệt hại khi ngập xảy ra).
Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của các chuyên gia, TP cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc san lấp trong các dự án phát triển đô thị, kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ trước khi thực hiện san lấp; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm cửa xả, hầm ga, thoát nước và thực hiện duy tu, nạo vét cống thoát nước./..
Từ nay đến cuối năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam), rộng 550km², với khoảng 6,5 triệu dân.
|
(Còn nữa)