Bài toán nào giải quyết "điệp khúc” tắc, ngập mùa mưa?

Thứ sáu, 03/06/2022 16:29
(ĐCSVN) - Mấy ngày vừa qua, Hà Nội liên tục đón những cơn mưa lớn. Điều này đã khiến nhiều tuyến đường, phố Hà Nội “chìm trong nước”, "biến” thành sông. Hệ lụy của nó là tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, cuộc sống của người dân bị xáo trộn nghiêm trọng...
Trận mưa lịch sử chiều 29/5 đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế khi đã có hàng ngàn lượt ô tô, xe máy bị hỏng hóc do ngập nước.

Lý giải về nguyên nhân ngập, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, lượng mưa những ngày qua được đánh giá lớn nhất trong suốt 36 năm qua, vượt xa thiết kế của hệ thống thoát nước Hà Nội… Nhưng điều đáng nói, tình trạng ngập úng tuy không diễn ra diện rộng nhưng mỗi năm khi mùa mưa tới, Hà Nội vẫn thống kê điểm ngập và trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”… như một điệp khúc buồn.

Và trận mưa lịch sử chiều 29/5, rồi đến 30/5, 1/6… đã ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế khi đã có hàng ngàn lượt ô tô, xe máy bị hỏng hóc do ngập nước; nhiều ngôi nhà ngập nước, hỏng hóc đồ đạc mà người dân không thể trở tay kịp… Bên cạnh những ảnh hưởng nhãn tiền nói trên, rõ ràng việc “Hà Nội cứ mưa là ngập” cũng đã và đang làm xấu đi rất nhiều hình ảnh về một Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm về chính trị, kinh tế của cả nước.

Sau những cơn mưa đã có không ít ý kiến đăng đàn phân tích, mổ xẻ nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập của Hà Nội và tất cả các luận điểm đưa ra cũng đều có lý của nó. Nhưng nói gì thì nói, những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh tại Thủ đô trong khi hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng khung của thành phố thì chưa hoàn chỉnh. Chính việc đầu tư không theo kịp quá trình đô thị hóa cũng như các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đủ yêu cầu, quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ với các biến động trong quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng ngập úng khi mưa lớn.

Chưa hết, như chúng ta biết, Hà Nội là thành phố “tụ thủy, tụ nhân" với rất nhiều ao hồ, sông và không gian mặt nước. Thế nhưng, sự phát triển của Thủ đô đã kéo theo nhiều ao, hồ bị san lấp, nhường chỗ cho các dự án. Thế là nhiều ao, hồ giờ chỉ còn là tên gọi trong tiềm thức của một số khu dân cư. Bởi theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Trong đó, quận Đống Đa mất 4 hồ; quận Hai Bà Trưng mất 3 hồ; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, quận Tây Hồ mất đi 2 hồ...

Trước thực tế này, một số chuyên gia về quy hoạch cho rằng, việc Hà Nội cần có những giải pháp tổng thể về quy hoạch hệ thống thoát nước trước quá trình đô thị hóa mạnh mẽ là việc làm cần thiết, cấp bách, không thể để mãi tình trạng “rách đâu, vá đấy” như hiện nay. Muốn thế, Hà Nội cần phải rà soát, đánh giá lại hệ thống thoát nước xem liệu nó đã đáp ứng được đủ bao nhiêu phần trăm nhu cầu phát triển của thành phố, từ đó đưa ra được giải pháp tổng thể xem cần làm gì.

Trước mắt, ngoài giải pháp duy trì chống ngập theo phương pháp “nước tự chảy,” Hà Nội cũng cần đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các trạm bơm thoát nước ven các sông Tô Lịch, Kim Ngưu để rút quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối thoát nước tiêu úng nhanh hơn.

Mặt khác, thành phố cần xem xét chấm dứt các quy hoạch, dự án nhà cao tầng trong nội đô. Với những khu vực mới phát triển, thành phố cũng nên cân nhắc hạn chế chất tải cao tầng để rút kinh nghiệm, tránh quá tải như khu trung tâm. Thành phố buộc phải thiết kế đồng bộ hệ thống thoát nước (gồm cả hồ điều hòa, trạm xử lý nước thải, kênh mương dẫn…), phù hợp với quy hoạch chung. Và hệ thống này phải hoàn thành trước, như điều kiện bắt buộc để triển khai các hạng mục khác. 

Một số chuyên gia cũng đề xuất, thành phố cũng cần phải tính toán trong quá trình thiết kế các đô thị để tạo ra hệ thống thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị; phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh. Đi đôi với đó cần phát triển hệ thống cây xanh, giảm bê tông hóa để tăng năng lực thẩm thấu nước của mặt đất; triệt để xử lý các trường hợp lấn chiếm mương, sông thoát nước làm hẹp dòng chảy.

Cùng với đó, Hà Nội cũng có cơ chế thu hút đầu tư xã hội hóa cho hạ tầng thoát nước nhằm giải quyết nguồn lực cho lĩnh vực này. Trong tương lai, thành phố sẽ phát triển theo hướng loang ra xung quanh, đối với những khu vực mới, quy hoạch hạ tầng về giao thông, thoát nước… phải đi trước một bước, có tầm nhìn 30 - 50, thậm chí là 100 năm và lâu hơn; tính toán cả các yếu tố biến đổi khí hậu để có quy hoạch ưu việt, để Thủ đô thực sự là nơi đáng sống…/.

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực