Bảo đảm quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ năm, 13/01/2022 18:52
(ĐCSVN) – Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu tực đến các hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực tế đó đã cho thấy tính cần thiết của những nỗ lực và giải pháp thiết thực để bảo đảm quyền lợi của nhóm đối tượng này.

Từ một chủ trương đúng đắn …

Một lớp học kỹ năng cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: TTXVN. 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước những năm 1980, 1990 gặp nhiều khó khăn, trong khi lực lượng lao động dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp, chúng ta chủ trương đưa một bộ phận thanh niên và người lao động không có việc làm trong nước ra nước ngoài làm việc để giải quyết việc làm và qua đó đào tạo nghề cho người lao động. Những năm tiếp theo, mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không chỉ giải quyết việc làm, đào tạo nhân lực mà còn góp phần nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện đời sống gia đình họ, cũng như xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động thuộc các khu vực khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và ven biển.

Một trong sáu Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đó là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi, gọi tắt là Luật số 69). Việc sửa luật lần này nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và điều chỉnh những vấn đề mới trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Luật số 69 thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam là không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Họ được tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ.  

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, báo chí và dư luận xã hội quan tâm hợp tác trong công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật và thông tin về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động ngoài nước qua đó nâng cao được nhận thức của xã hội và người lao động. Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các  năm, từ vài nghìn người những năm đầu 1990, đến vài chục nghìn những năm tiếp theo và những năm gần đây có trên 100 nghìn người, cụ thể: 2016: 126 nghìn; 2017: 135 nghìn; 2018: 143 nghìn; 2019: 152 nghìn. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu, đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi đến việc tổ chức chuyến bay cho lao động đi ra nước ngoài và về nước, số lao động đi làm việc nước ngoài giảm đáng kể, năm 2020: 78 nghìn; năm 2021: 45 nghìn. Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đã cố gắng, nhưng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam đóng cửa, như Nhật Bản từ cuối tháng 1/2021, Đài Loan (Trung Quốc) từ giữa tháng 5/2021, Hàn Quốc đến tháng 5/2021 mới tiếp nhận trở lại lao động sau hơn 1 năm đóng cửa, nhưng trong nước nhiều địa phương thực hiện giãn cách do dịch bệnh bùng phát mạnh.

Theo số liệu ước tính số lượng người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hiện nay có khoảng 580 nghìn người, cụ thể: Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần  50.000 người; còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông – Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Âu).

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình). Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

… tới giải pháp tạo công ăn việc làm hiệu quả

Công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất máy tính xách tay ở Kobe, phía Tây Nhật Bản. (Ảnh: EPA) 

Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên, không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ khoảng 7 – 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà còn qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương. Ngoài ra người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiên từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việc người dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập và trình độ kiến thức, kỹ năng nghề là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và là quyền tự do của mọi người. Điều 23 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận, công dân có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc. Trên tinh thần nhất quán đó, trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách và quy định pháp luật khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và khu vực trên thế giới.

Trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các khu vực trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cũng như nguy cơ tiềm ẩn khoảng hoảng kinh tế, chính trị, thiên tai và dịch bệnh trên thế giới ảnh hưởng đến lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đem đến những cơ hội và thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến chủng mới càng làm tăng lên mối lo ngại ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, từ 2020 đến nay, do không có các chuyến  bay thương mại, cũng như chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ của các nước, nên có hàng chục nghìn người lao động không đi làm việc ở nước ngoài được, cũng như người lao động hết hạn hợp đồng không trở về nước được. Việc người lao động hết hạn hợp đồng không về nước được đã tạo ra sức ép tâm lý lớn, một số lao động đã thông qua mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tích cực trong việc phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động về điều kiện làm việc, sinh hoạt và chi phí vé máy bay về nước.

Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật quy định và hướng dẫn chi tiết Luật số 69 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức triển khai thực hiện tốt các quy định pháp luật và chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài một cách đồng bộ; thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua đó ổn định, phát triển thị trường lao động ngoài nước truyền thống, chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động; tăng cường công tác quản lý trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập còn tồn tại.../.

 

 

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực