Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (Ảnh: K.V)
Theo thông tin từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu là 5.675 trường hợp, trong đó có 619 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu, bia. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, những vụ đánh nhau trong dịp Tết mà nguyên nhân do rượu, bia có chiều hướng gia tăng chứng tỏ ngày càng có nhiều người vi phạm pháp luật, đạo đức, văn hóa.
Không ít vụ gây án mạng ngay trên bàn nhậu xảy ra thời gian qua, gây bức xúc trong xã hội. Đối tượng gây án mạng đa dạng, ở mọi tầng lớp, ngành nghề, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như vụ ẩu đả giữa các đối tượng trong một nhóm thanh niên nhậu cùng nhau tại khu phố 2, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa qua. Sau vụ ẩu đả đã có 3 thanh niên bị thương phải nhập viện, 1 trong số đó đã tử vong sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Hoặc như vụ án mạng do rượu xảy ra vào tháng 6/2016 tại tỉnh Tiền Giang, đối tượng Nguyễn Ngọc Hòa tổ chức uống rượu tại nhà riêng, thuộc xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho cùng 6 người khác. Đến khoảng 11h cùng ngày, cả nhóm bỏ ra về, chỉ còn ông Hòa và người bạn là Trương Thanh Tâm cư trú tại phường 6, thành phố Mỹ Tho nhậu tiếp. Do rượu vào lời ra, nên hai bên xảy ra mâu thuẫn. Ông Tâm nắm tóc và dùng tay đánh trúng vào mặt ông Hòa. Không kìm chế được cơn tức giận, ông Hòa dùng dao Thái Lan đâm một nhát trúng vào ngực trái của ông Tâm. Ông Tâm bỏ chạy ra bên ngoài được một đoạn rồi ngã gục và chết tại chỗ.
Không chỉ thanh niên, người trẻ tuổi uống rượu vào đánh nhau, công nhân viên chức trong cơ quan nhà nước cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay khi có men, đó là vụ ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Bảo vệ chính trị nội bộ thuộc Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận, tại bàn nhậu đã xảy ra mâu thuẫn với ông Huỳnh Nhật Khánh, đang công tác tại một cơ quan tại thành phố Phan Thiết, ông Dũng đã đập ly bia vào đầu ông Khánh, khiến ông này phải nhập viện khâu 9 mũi.
Có thể thấy, tình trạng lạm dụng rượu, bia ngày càng nhiều và đã xảy ra những hệ lụy đau lòng, hầu như không ngày nào, không giờ nào không có những cuộc nhậu được tổ chức.
Báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương cho thấy, chỉ tính từ tháng 11/2013 đến tháng 9/2016, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 3.290 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội. Trong đó có 672 vụ giết người và cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội. Thiệt hại làm chết 127 người, bị thương 676 người. Theo đánh giá, các vụ án giết người, cố ý gây thương tích liên quan đến rượu, bia và chất kích thích ngày càng tăng. Cũng theo thống kê của Công an tỉnh Bình Dương về địa điểm gây án giết người và cố ý gây thương tích trong khoảng 3 năm qua cho thấy có 236 vụ (chiếm 35,1%) xảy ra tại quán nhậu, quán karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; thời gian gây án từ 18h đến 24h là 377 vụ, chiếm tỷ lệ 56,1%.
Theo PGS.TS, Bác sỹ Nguyễn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II, cồn là chất có tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25%o trong máu, tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100ml rượu vang. Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, chúng làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông...
Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Hơn nữa, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia, trong đó, 1/4 trong số này sử dụng rượu bia ở mức độ có hại. Từ thực tế hàng nghìn người đánh nhau nhập viện do rượu bia hàng năm, cho thấy, các quy định về rượu, bia cần được nghiêm túc nghiên cứu. Bởi trên thực tế có một số nước đã cấm bán rượu bia trong một số thời gian nhất định của ngày.
Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang được Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nghiên cứu và sớm hoàn thành và trình Quốc hội năm 2018. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Y tế sẽ làm rõ thêm bằng chứng khoa học để đưa ra các điều, luật phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, hành vi của người Việt./…