Bình Dương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số

Thứ sáu, 20/10/2023 08:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh tỉnh Bình Dương – Nền tảng của chuyển đổi số (ảnh: Nguyên Thảo)

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính gồm phát triển chính quyền số và cải cách hành chính phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số.

Trong lĩnh vực chính quyền số và cải cách hành chính, đến nay 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã  trên đại bàn tỉnh được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước) thông qua phần mềm quản lý văn bản của tỉnh. 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2; đã phối hợp số hóa, so khớp 931.00 trường dữ liệu hộ tịch khi thực hiện Đề án 06; 70% đối tượng an sinh xã hội (30.674 người) được chi trả qua tài khoản.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh cung cấp được 1.3521/1.886 TTHC trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh kết nối dữ liệu với 3 Bộ ngành Trung ương, 17/18 sở, ngành, 4/6 cơ quan ngành dọc tại tỉnh với 15 nhóm chỉ số điều hành cập nhật theo ngày, tuần, tháng; 12 nhóm chỉ số cập nhật theo quý, năm.

Đã triển khai 9/9 IOC cấp huyện, phân quyền sử dụng cho 91/91 UBND cấp xã. Ứng dụng Chính quyền số Bình Dương; cổng dữ liệu mở và ban hành danh mục dữ liệu mở của tỉnh đã được triển khai.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, như: Chỉ số PAPI 2 năm liền xếp hạng 2/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng SIPAS xếp hạng 4/63 tỉnh, thành và 3 năm liên tiếp được vinh danh về chiến lược xây dựng thành phố thông minh trên thế giới.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trên song trong quá trình triển khai địa phương cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Một trong những khó khăn trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số là biên chế thấp, nhân sự làm công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, chuyển đổi số còn ít, trang thiết bị chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn, thiếu máy móc thiết bị ở chính quyền cơ sở… Hơn nữa, một số bộ, ngành khi công bố thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý thì có tình trạng có quyết định công bố nhưng không có nội dung cụ thể của từng thủ tục hành chính kèm theo, gây khó khăn cho chính quyền cơ sở. Hệ thống phần mềm “một cửa” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp và một số phân hệ phần mềm khác vẫn phải sử dụng phần mềm chuyên ngành song song với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, dẫn đến cán bộ công chức phải mất thời gian xử lý hồ sơ trên nhiều phần mềm…

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương xác định cần phải thống kê thủ tục hành chính nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các nhóm thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh trọng tâm ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, tài chính. Cùng với đó là rà soát, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông.

Đồng thời tỉnh sẽ triển khai danh mục dịch vụ công trực tuyến, toàn trình, một phần, dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến và dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy giai đoạn từ 1-10-2023 đạt mục tiêu trên 80% vào cuối năm 2023. Tỉnh cũng sẽ hoàn thành số hóa dữ liệu địa chính, đất đai; kết nối, phát triển và chia sẻ dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, tập trung vào các ngành trọng điểm: Tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông - vận tải, xây dựng, đô thị… nhằm tích hợp, sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm hồ sơ giấy.

Được biết, mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cũng đã yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương, nhất là các tổ chỉ đạo, các đơn vị làm thường trực cho Ban chỉ đạo tỉnh, cần tập trung theo dõi chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Thành phố thông minh. Chú trọng triển khai theo đúng kế hoạch, đánh giá quá trình triển khai thực hiện, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và bám sát thực tế để phối hợp giải quyết đảm bảo đạt kết quả cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch; đề nghị các sở, ngành, địa phương sớm công bố đẩy đủ các thủ tục hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất hồ sơ trễ hẹn và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, số hoá hồ sơ.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực