|
Thực tập phương án chữa cháy tại nhà ở xã hội trên địa bàn TP Thuận An. (Ảnh: Tâm Trang) |
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy, trọng tâm như: Thành lập nhiều tổ công tác và nhiều nhóm zalo (bao gồm nhóm zalo các khu công nghiệp, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; các nhóm zalo đối với chủ đầu tư có khó khăn, vướng mắc về công tác phòng cháy, chữa cháy, hệ thống điện mặt trời mái nhà, xăng dầu, đơn vị tư vấn thiết kế,..) để trực tiếp hay trực tuyến hướng dẫn các cơ sở còn vướng mắc trong thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy do chưa nắm rõ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy; trao đổi các giải pháp, phương án thực hiện để chủ đầu tư lựa chọn, thực hiện khắc phục các nội dung đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; tổ chức 04 hội nghị triển khai, hướng dẫn, thảo luận (Hội nghị triển khai, hướng dẫn các quy định liên quan đến hoạt động tư vấn thiết kế, thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy; Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy cho chủ đầu tư theo Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Hội nghị tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ sở kinh doanh sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh; Hội nghị triển khai các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Dương).
Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện đồng bộ, chất lượng
Qua đó hướng dẫn cụ thể đối với công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy từ nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, dẫn chứng cụ thể và nêu lên các nhóm lỗi thường hay mắc phải trong quá trình nộp hồ sơ dẫn đến thời gian nộp hồ sơ kéo dài; hướng dẫn, nêu những vấn đề cần lưu ý, những lỗi thường mắc phải trong việc thiết kế đối với hồ sơ thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến đường giao thông và bãi đỗ cho xe chữa cháy, bậc chịu lửa, khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, giải pháp ngăn cháy chống cháy lan, giải pháp thoát nạn, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và các hệ thống kỹ thuật có liên quan cũng như các vấn đề cần lưu ý trong thực hiện kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy,...
Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, nhất là nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra địa bàn được triển khai thực hiện đồng bộ, chất lượng, trong đó tập trung siết chặt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Công an tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy ở từng đơn vị, địa phương, cơ sở và hộ gia đình, kịp thời phát hiện thiếu sót, hướng dẫn các cơ sở khắc phục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây cháy, nổ xảy ra.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng, đăng, phát các tin, bài, phóng sự tuyên truyền công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thời gian diễn ra các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4-10”; hướng dẫn, cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; biểu dương gương người tốt, việc tốt; từng bước nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy gắn với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kết quả, đã phối hợp cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng, đăng phát 187 lượt tin, bài, 22 phóng sự tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ... được nhân dân quan tâm theo dõi, đặc biệt là người đứng đầu các cơ sở kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp, chung cư, nhà cao tầng, trường học...
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ còn tham mưu, triển khai đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với tình hình thực tế, tiếp cận đến nhiều đối tượng khác như người đứng đầu cơ sở, người lao động tại các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục…; tổ chức các đợt tuyên truyền, ký cam kết an toàn phòng cháy, chữa cháy, kết hợp tuyên truyền trên đài truyền thanh; phổ biến đến người dân tại các khu dân cư, các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiếp tục duy trì phối hợp Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh Bình Dương phát hành vé số có nội dung tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với 26 triệu lượt vé số tại 2 kỳ trong tháng 10-2024; tổ chức 365 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ sở kinh doanh sản xuất, doanh nghiệp, trường học, chung cư, nhà cao tầng… với hơn 116.512 lượt người tham gia.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ còn phối hợp Trung tâm Quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng cháy, chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy cho toàn bộ sinh viên nội trú, cán bộ quản lý, hộ kinh doanh tại ký túc xá với hơn 32.700 người tham gia; tổ chức hội thao nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho sinh viên thuộc 8 cụm nhà tại ký túc xá, 10 chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn TP Dĩ An…; tổ chức 375 lớp huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy với 11.036 người tham gia, 50 lớp huấn luyện nghiệp vụ về cứu nạn cứu hộ với 1.387 người tham gia, kết quả đối tượng tham gia lớp huấn luyện đạt yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định.
Hạn chế, tồn tại chưa được chủ đầu tư thực sự quan tâm
|
Cuộc thi “Chiến thi chiến sĩ phòng cháy chữa cháy ở cơ sở” diễn ra tại ký túc xã Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tâm Trang)
|
Nhìn chung, những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy hiện nay đã được điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng; đa số các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã tiếp thu, nghiên cứu và thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề hạn chế, tồn tại chưa được chủ đầu tư thực sự quan tâm thực hiện như:
Đối với thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, Chủ đầu tư chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong việc đầu tư xây dựng, còn đặt nặng mục tiêu về kinh tế, xem nhẹ việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và chú trọng việc cắt giảm giá thành, chi phí đối với thi công các hạng mục phòng cháy, chữa cháy như: trạm bơm chữa cháy, bể chứa nước chữa cháy, hệ thống hút khói, kết cấu xây dựng,.. khi đó việc lựa chọn phương án thiết kế đối với các hạng mục này không đảm bảo theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến hồ sơ không đảm bảo để cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Năng lực đơn vị tư vấn thiết kế theo quy chuẩn về xây dựng (QCVN:06/BXD) còn hạn chế, việc nghiên cứu, cập nhật các quy định mới đối với việc thiết kế phần kiến trúc, kết cấu cho nhà và công trình (liên quan các giải pháp đường giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy chống cháy lan, giải pháp thoát nạn,..) còn chưa kịp thời, nhìn chung năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế đối với các giải pháp phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu theo từng thời điểm của các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy ban hành. Việc trao đổi giữa đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa kịp thời, phần lớn giao ủy quyền cho đơn vị tư vấn liên hệ làm việc với cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nên chủ đầu tư không nắm bắt được các nội dung hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy và đỗ lỗi cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi hướng dẫn nhiều lần, dẫn đến không nắm bắt và định hướng được tiến độ giải quyết hồ sơ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy. Trong khi đó, cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã hướng dẫn cụ thể đối với từng nội dung thiết kế mặc dù biết đây là trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế, tuy nhiên việc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ, bản vẽ thiết kế không đảm bảo theo quy định, thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, công trình của chủ đầu tư.
Đối với nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chủ đầu tư không quan tâm đến chất lượng thi công các hạng mục công trình, thường giao khoán cho các đơn vị thực hiện trong quá trình thi công đến khi nghiệm thu hoàn thành, các đơn vị này đa phần chưa thể hiện hết trách nhiệm theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, kết quả thi công công trình không đảm bảo theo hồ sơ đã được thẩm duyệt, hồ sơ pháp lý không đảm bảo, thường liên quan đến các vấn đề về kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy, các biên bản nghiệm thu tổng thể và nghiệm thu từng hạng mục thể hiện chưa cụ thể, chưa chặt chẽ về nội dung, số lượng, thông số kỹ thuật, phương thức và kết quả kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy…
Năng lực của các đơn vị quản lý dự án, tư vấn giám sát, đơn vị thi công còn hạn chế, phần lớn các đơn vị tư vấn giám sát chưa có giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy, chưa bám sát thiết kế đã được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, còn chủ quan, lơ là trong quá trình kiểm tra thi công hoặc thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư, bỏ qua việc đảm bảo các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chạy theo tiến độ bàn giao công trình, không quan tâm đến chất lượng của kết cấu xây dựng, kiến trúc công trình cũng như quá trình hoạt động của hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Điệp - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, thời gian tới, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh sản xuất tại các khu công nghiệp; các khu đô thị mới, các tổ hợp nhà cao tầng, siêu cao tầng, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ cũng không ngừng tăng lên; số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tăng nhanh, trong đó có rất nhiều cơ sở lớn có nguy cơ cháy, nổ cao nhất là các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh,… Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày và trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thật sự có hiệu quả ngoài sự chuyên nghiệp của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội, nếu mỗi người dân, chủ cơ sở kinh doanh nêu cao ý thức chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy sẽ góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các nguy cơ dẫn đến cháy nổ, qua đó bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân./.