|
Người dân xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh. |
Chính vì vậy, hành động vì cộng đồng ngày càng nhiều và được lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, nhất là tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đóng góp chỉnh trang, nâng cấp đô thị, hoạt động tương thân tương ái, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ý thức chăm sóc cảnh quan môi trường, quan tâm đầu tư văn phòng khu phố, ấp,... đã góp phần tạo nên diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn
Nổi bật là trên 98% hộ gia đình ký cam kết thực hiện các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh; có 95% cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa hàng năm (chỉ tiêu là 95%); có 19% doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa; có 100/96 chợ đăng ký đạt 104,16%; có 22/22 siêu thị, trung tâm thương mại đăng ký, đạt 100%.
Các huyện, thành phố đã triển khai tích hợp và đầu tư nâng cấp văn phòng khu phố, ấp đạt tiêu chí theo quy định (517/587 đạt 87,1%); bố trí ngân sách, vận động xã hội hóa đầu tư, duy tu đường giao thông nông thôn, thảm nhựa, bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm ước đạt 47,9%; nạo vét, xây kè, phát quang các kênh, rạch, suối thông thoáng, sạch đẹp đạt 49,83%; các địa phương đã quan tâm đầu tư cải tạo, xây dựng mới được 117 công viên, tiểu cảnh; hiện toàn tỉnh có 352 công viên, hoa viên, tạo ra nhiều không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho nhân dân; cải tạo, xây dựng 62 nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, cây xăng.
Các xã, phường, thị trấn đã đăng ký và thực hiện xây dựng các tuyến đường, tuyến hẻm kiểu mẫu, trồng và chăm sóc cây xanh, hoa trên các tuyến đường, vận động kinh phí xã hội hóa và đóng góp của nhân dân trang bị bóng đèn chiếu sáng, lắp camera an ninh, bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến hẻm, đường giao thông; thực hiện nạo vét, xây kè, phát quang các sông, suối, kênh, rạch; tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, các công trình trên đất,... với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.001 tỷ đồng.
Đồng thời, các xã, phường, thị trấn, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên tổ chức các đợt ra quân phối hợp các lực lượng làm công tác dân vận, ra quân Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh; vệ sinh đường phố, ngõ xóm, xóa các biển quảng cáo sai quy định, vận động người dân trồng hoa, cây xanh, cây cảnh, chăm sóc và bảo quản các công viên, hoa viên, không lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh.
Bà Nguyễn Thu Cúc – Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cho biết, trong thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng "Thành phố xanh", "Thành phố công viên","Tuyến hẻm văn minh đô thị", công tác phát triển mảng xanh đô thị, tăng không gian công cộng phục vụ cộng đồng đã được Thủ Dầu Một tập trung thực hiện quyết liệt. Tận dụng các quỹ đất công, thành phố đã sắp xếp bố trí lại để đầu tư xây dựng công viên, hoa viên, mảng xanh đô thị kết hợp với mở rộng không gian sinh hoạt công cộng của các khu phố. Đến nay, thành phố đã có 132 công viên, vườn hoa (trong đó, vốn ngân sách thành phố đầu tư 115 hoa viên, vườn hoa) và đất công viên cây xanh trong Khu liên hợp Dịch vụ - Đô thị Bình Dương 142,61 hecta. Đây cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của thành phố khi người dân là chủ thể chính, được tận hưởng các tiện ích công cộng của địa phương. Qua đó, ý thức, nếp sống, đời sống người dân từng bước cũng thay đổi, văn minh hơn, giữ gìn môi trường sống tốt hơn.
Bà Trần Thị Tuyết Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết, qua 03 năm triển khai Đề án, xã đã tổ chức ra quân được 08 đợt trồng hoa tại 08 tuyến đường và trước cổng trụ sở Trung tâm văn hóa và Nhà văn hóa xã Thanh An với tổng chiều dài 7.200m. Đã thực hiện trồng 1.000 cây hoa quỳnh vàng, 14 cây hoa hồng lộc, 1.500 cây hoa giấy, 336 cây hoa Kim Đồng, 100 cây ván hương, 100 cây dầu, 800 cây chuông vàng với tổng kinh phí 253.650 triệu đồng, từ nguồn kinh phí UBND xã hỗ trợ. Ngoài việc thực hiện xây dựng các tuyến đường, tuyến hẻm kiểu mẫu, các ấp còn vận động kinh phí từ xã hội hóa và đóng góp của nhân dân trang bị bóng đèn chiếu sáng, lắp camera, bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến hẻm, đường giao thông, vệ sinh các tuyến đường, xóa các biển quảng cáo sai quy định, vận động người dân không lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh.
Bà Trần Thị Thanh Thảo - Trưởng Ban Điều hành ấp Đuôi Chuột chia sẻ, trong thời gian qua, ấp Đuôi Chuột đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến 6.000m2 đất, trồng 3,5km đường hoa, lắp 20 bóng đèn chiếu sáng, 20 mắt camera an ninh,... Phối hợp vận động các mạnh thường quân tặng 325 phần quà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư, với tổng trị giá 120 triệu đồng, vận động nhân dân ủng hộ thiên tai, lũ lụt 8,6 triệu đồng, vận động Quỹ vì người nghèo đạt 24 triệu đồng, tặng 600 phần quà cho nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trị giá 180 triệu đồng.
Xây dựng Bình Dương phát triển bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm tiếp tục quán triệt tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh nói chung, văn hóa, văn minh đô thị nói riêng.
Cùng với đó, Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các phương thức, loại hình để vận động, tập hợp nhân dân; có hình thức theo dõi, quản lý, đánh giá, hỗ trợ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội,... không để xảy ra tình trạng người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện chuyển đổi số hoặc cung cấp một số điện thoại đường dây nóng, tuyên truyền, quảng bá cho mọi người dân biết, để khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống có thể gọi điện cho cơ quan Nhà nước, chính quyền giúp đỡ.
Chính quyền các cấp phải xây dựng cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, xây dựng xã hội số, Chính quyền số, công dân số,... để hướng đến phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; quản trị xã hội tốt hơn.
Từng địa phương cần có kế hoạch cụ thể về công tác cải tạo và chỉnh trang đô thị; lập lại trật tự đô thị, trật tự xây dựng. Tập trung bố trí, huy động các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu Đề án, nhất là bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường, tuyến hẻm; chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn. Rà soát nguồn quỹ đất công tập trung xây dựng hoa viên, tiểu cảnh phục vụ không gian công cộng, phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Tiến tới mục tiêu phủ xanh Bình Dương. Huy động nguồn lực xã hội hoá trong công tác đầu tư, cải tạo đô thị hoặc tuyên truyền, vận động phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả, cách làm hay ở cơ sở; thành lập các đội hình tình nguyện tham gia "Ngày thứ bảy văn minh", "Ngày chủ nhật hồng", Phiên chợ 0 đồng... Tăng cường thực hiện về công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh và hành trình phủ xanh đô thị, phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường.
Với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án và với ý thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, việc tham gia xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình mới, cách làm hay, hành động thiết thực và hiệu quả; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.