Bộ LĐTBXH tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW

Thứ sáu, 24/11/2023 16:05
(ĐCSVN)- Những chủ trương lớn của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa, hệ thống chính sách pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động được các ngành, lĩnh vực xây dựng, tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với các điều ước, công ước, tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua quá trình triển khai; đồng thời, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan: Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Y tế; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...; đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp, địa phương: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình.

 Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết: Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khoẻ người lao động là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Chỉ thị 29). Đây là Chỉ thị đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, là kim chỉ nam xuyên suốt định hướng cho công tác ATVSLĐ ở các cấp.

Hội nghị tổng kết ngày hôm nay là một trong những nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện Đề án tổng kết Chỉ thị 29. Đề án là cơ sở chính trị quan trọng để tham mưu cho Ban Bí thư đưa ra chủ trương, quan điểm chỉ đạo và định hướng lớn về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 29, một trong những thành tựu nổi bật đó là sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Những chủ trương lớn của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa, hệ thống chính sách pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động được các ngành, lĩnh vực xây dựng, tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với các điều ước, công ước, tiêu chuẩn quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động đã được quan tâm, chú trọng. Các cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động, tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên gia, kỹ thuật ATVSLĐ với nhiều nước, các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa coi công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều người lao động còn chủ quan, lơ là;…

Bên cạnh đó, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,… công tác an toàn, vệ sinh lao động đòi hỏi nắm bắt được cơ hội thay đổi công nghệ nhưng cũng phải chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, cập nhậtphù hợp với các công ước, điều ước, tiêu chuẩn quốc tế; công tác đào tạo, nâng cao chất lượng người lao động có kỹ năng lao động, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động theo xu hướng công nghiệp hiện đại, đồng thời chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người lao động để thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới.

 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TT

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) Hà Tất Thắng cho biết: Hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quốc hội đã thông qua 2 bộ Luật, 2 Luật liên quan đến ATVSLĐ, trong đó năm 2015, Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ. Luật ATVSLĐ thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, đồng thời mở rộng sang cả khu vực đối với người không có quan hệ lao động. Từ năm 2013 đến 2023, Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định (trong đó có 8 Nghị định liên quan đến ATLĐ trong các lĩnh vực đặc thù), các Bộ ban hành 135 Thông tư (trong đó có 30 Thông tư liên quan đến ATLĐ trong lĩnh vực đặc thù). Các địa phương đã ban hành Nghị quyết và các quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương, trong 10 năm đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 10 năm đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay An toàn vệ sinh tới người lao động và an toàn vệ sinh viên; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ.

Trung bình mỗi năm, các bộ, ngành trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 10.000 lớp, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã tổ chức lớp trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động không có quan hệ lao động.Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn, vệ sinh viên. Từ năm 2013 đến nay ở cấp trung ương đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.

Giai đoạn 2013-2023, đã có hơn 2000 đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ được triển khai tại các Bộ ngành trung ương; hơn 266.000 đề tại triển khai trong hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; gần 3000 đề tài triển khai tại các địa phương. Có những đề tài có hướng tiếp cận hiện đại, phù hợp với triết lý quản lý ATVSLĐ mới. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được quan tâm từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Qua 10 năm, đã có hơn 51.000 cuộc thanh tra, kiểm tra cùng hơn 313.000 kiến nghị về ATVSLĐ.

Cục trưởng Hà Tất Thắng cũng cho biết, mục tiêu trong thời gian tới là phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hằng năm 4%; tăng số người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trung bình hằng năm thêm 5%; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ… để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò giám; Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao chất lượng đơn vị tham mưu về công tác ATVSLĐ ở các cấp, các ngành...

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; chỉ ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua quá trình triển khai; đồng thời, đề xuất giải pháp khắc phục trong thực hiện Chỉ thị 29, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời gian tới./.

Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực