Các tỉnh phía Nam quyết liệt triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Thứ sáu, 03/05/2024 14:58
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Những ngày vừa qua, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 39 độ C, có nơi trên 42 độ C; xảy ra nhiều vụ cháy rừng tại các tỉnh phía Nam như: Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy, tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.

Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hiệu quả, an toàn; tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng.

Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất.

Tại Đồng Nai, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ rừng tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ động, kiểm lâm địa bàn đến các khu vực trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung phương án phòng chống cháy rừng phù hợp với tình hình thời tiết; tăng cường công tác tuyền truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Lê Văn Gọi cho biết, tỉnh đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ tăng cường lực lượng tuần tra, chốt trực cho đến đẩy mạnh tuyền truyền nâng cao ý thức người dân. Nhờ đó, công tác phòng chống cháy trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này cơ bản được giữ vững.

Lực lượng chức năng dập lửa ngăn cháy rừng ở An Giang. (Ảnh: Báo CAND) 

Tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, ngành chức năng và người dân đang tăng cường nhiều giải pháp để phòng, chống cháy rừng. Ðể bảo vệ tài sản quốc gia và của nhân dân, chi cục kiểm lâm các tỉnh này, các Ban quản lý rừng và chủ rừng kinh tế vùng Ðồng Tháp Mười, vùng ven biển đã triển khai nhiều giải pháp canh lửa, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tỉnh Long An hiện có hơn 21.800ha rừng tràm, trong đó, có hơn 17.900ha rừng tràm kinh tế và hơn 1.400ha rừng đặc dụng. Ðể hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô 2024, Chi cục Kiểm lâm Long An yêu cầu Ban quản lý rừng đặc dụng và các chủ rừng không được chủ quan, lơ là, bố trí lực lượng canh lửa 24/24 giờ và tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng; chủ động các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng khi có tình huống xấu xảy ra.

Tỉnh Bến Tre, hiện có hơn 4.470ha rừng trải dài theo bờ biển của 11 xã thuộc ba huyện Ba Tri, Bình Ðại và Thạnh Phú. Trong đó, rừng phòng hộ gần 2.247ha, rừng đặc dụng 1.868ha và rừng sản xuất 355ha. Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn, đa phần là rừng trồng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển. Các đơn vị liên quan cùng chính quyền và người dân triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trong nhân dân về việc bảo vệ rừng. Ðồng thời, hoàn thiện những công trình trữ nước, góp phần triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy khi có trường hợp cấp thiết xảy ra.

Tỉnh Tiền Giang hiện có gần 2.600ha rừng tràm, trong đó có 1.400ha rừng phòng hộ, phần diện tích còn lại là rừng sản xuất nằm trên vùng Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước. Hiện tại, nhiều cánh rừng tràm trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Ðể hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng trong mùa khô năm 2024, ngành chủ động phối hợp với lực lượng công an và các địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương các phương án chữa cháy tại chỗ, bố trí lực lượng ứng trực, phân công từng thành viên cụ thể, cách sử dụng máy bơm, kiểm tra các chòi canh lửa và kiểm soát người dân vào rừng.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn Đồng Tháp diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm) cho thấy nguy cơ cháy rừng rất cao và đang trong tình hình báo động đỏ. Chính vì vậy, công tác phòng chống “giặc lửa” nơi đây đã thường xuyên được kiểm tra và tập trung trực vào các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện cháy sớm, khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ,  không để cháy lan trên diện rộng. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, thường xuyên vận hành các máy bơm chữa cháy. Đặc biệt, Đồng Tháp đã tiến hành bơm nước chủ động vào những cánh rừng đang bị khô nước hoặc lợi dụng triều cường đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm trong đất và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng.

Đối với các đơn vị quản lý rừng có tổ chức du lịch sinh thái trong mùa nắng nóng như: Vườn quốc gia Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt…, ngành chức năng của Đồng Tháp đã phân công người hướng dẫn và tổ chức kiểm soát chặt việc sử dụng lửa của khách khi ra vào rừng tham quan du lịch sinh thái. Các chủ rừng có tổ chức khai thác rừng trong mùa khô (chủ yếu rừng tràm) tăng cường quản lý chặt chẽ số lượng người ra vào rừng và việc sử dụng lửa sinh hoạt của người dân tham gia khai thác rừng, vệ sinh rừng sau khai thác phải bảo đảm an toàn phòng cháy rừng./.

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực