|
Quang cảnh Hội nghị. |
Ngày 6/7, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm 2020 với một số tổ chức thành viên, cơ quan Trung ương.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19, đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người, là nguy cơ cao cho dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tất cả 43 tổ chức tôn giáo đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể, hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi hội họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người và nhiều hoạt động tôn giáo ở cộng đồng và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia đóng góp ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cả tiền mặt cũng như vật phẩm để góp phần quan trọng cùng cả nước kiểm soát, ngăn chặn, lây lan của dịch bệnh.
Thống kê chưa đầy đủ của Ban Tôn giáo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đến nay, các tổ chức tôn giáo đã tham gia ủng hộ tiền và hiện vật, thiết bị y tế để phòng, chống dịch COVID-19 ước đạt 200 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nêu rõ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động khẩn trương, kịp thời vận động các tầng lớp nhân dân, hướng dẫn các tổ chức và đồng bào tôn giáo tham gia phòng chống đại dịch COVID-19. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác vận động tập hợp đoàn kết đối với các tổ chức tôn giáo trong tham gia phòng chống dịch bệnh.
Trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo Ban Tôn giáo thiết lập nhóm MTTQ và các tổ chức tôn giáo trên mạng xã hội Zalo để thông tin, trao đổi và chuyển tải kịp thời những văn bản hướng dẫn mới của Ban Thường trực và nắm bắt kết quả tham gia của các tổ chức tôn giáo và Mặt trận các địa phương trong phòng chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tăng cường việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tính đến 15/6, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch tại 16 tỉnh, thành phố. Ban Thường trực luôn quan tâm đến công tác gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, động viên, thăm hỏi chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo nhân dịp lễ trọng của các tôn giáo…
Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, công tác chăm lo, giải quyết, lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân tôn giáo được quan tâm. Từ đó sớm kiến nghị với Đảng, Nhà nước giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác tôn giáo tại địa phương và thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên với Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân tôn giáo.
|
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. |
Sau khi nghe các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, Mặt trận và các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần tăng cường phối hợp, thống nhất hành động, kể cả trong chỉ đạo, thực thi và trong công tác vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo. Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong giai đoạn thiết lập trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ làm công tác tôn giáo, từ đó tạo tiền đề để chủ động nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, định hướng dư luận trong nhân dân; đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tăng cường tổ chức các diễn đàn trao đổi, đối thoại và các hoạt động tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo. Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng đến phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo tham gia các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động. Đặc biệt là phát huy vai trò của người uy tín, người tiêu biểu và cốt cán trong đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh vận động các tổ chức tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường…/.