Cần có giải pháp hữu hiệu tránh ùn tắc trên Quốc lộ 51

Thứ năm, 05/09/2019 12:25
(ĐCSVN) - Quốc lộ 51 từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đi TP. Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) có chiều dài hơn 100 km với khá nhiều nút giao. Đây là tuyến được thiết kế bình quân là 10 nghìn lượt xe ô tô/ngày đêm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nâng cấp đưa vào sử dụng, lưu lượng xe đã tăng nhanh chóng khiến cho con đường này thường xuyên ùn tắc.

Theo ngành chức năng, hiện bình quân là hơn 40 nghìn lượt xe ô tô/ngày đêm và vào những ngày cao điểm lưu lượng xe đạt gần 50 nghìn lượt/ngày đêm lưu thông trên quốc lộ 51. Được biết, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 được đưa vào thu phí từ tháng 4/2013, thời gian thu phí là trên 20 năm. Thiết kế của đường là cấp III đồng bằng, với lưu lượng xe bình quân là 10 nghìn lượt/ngày bình thường và 30 nghìn lượt/ngày đêm vào ngày cao điểm. Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân, nên hiện nay tuyến đường này đã trở nên quá tải trầm trọng và thường xuyên ách tắc, nhất là khi vào những ngày cuối tuần và các dịp lễ, tết.

Nguyên nhân của việc gia tăng số lượng xe tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ này là do sự ra đời ngày càng nhiều các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, cùng với đó là lối mở của tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đi vào hoạt động.

Theo số liệu của Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, năm 2018, lưu lượng xe qua trạm T2 nằm trên địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đạt bình quân 38 nghìn lượt/ngày đêm; năm 2019, tháng cao nhất là tháng 4 có kỳ nghỉ lễ, bình quân đạt trên 40 nghìn lượt/ngày đêm, gấp 4 lần con số thiết kế. Trong đó, trong các ngày cao điểm là 13/4 và 27/4, lượng xe qua trạm đã đạt hơn 48 nghìn lượt/ngày đêm.

Xe lưu thông nhiều cùng với trên quốc lộ 51 tồn tại khá nhiều nút giao đã dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, đó là những điểm như nút giao giữa quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (Long Thành- Đồng Nai); nút giao khu vực ngã ba quốc 51 với đường 25B vào huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai); nút giao giữa quốc lộ 51 với đường vào xã Bàu Cạn (Long Thành- Đồng Nai); nút giao khu vực ngã ba vào Khu công nghiệp Gò Dầu và ngã 3 giao giữa quốc lộ 51 với đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao (Bà Rịa - Vũng Tàu);…

Lưu lượng xe tăng nhanh chóng thời gian qua đã làm mặt quốc lộ 51 nhanh chóng xuống cấp, cùng với việc ùn ứ xe cộ xảy ra thường xuyên làm tăng thêm thời gian, chi phí cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến và gián tiếp kéo giảm tốc độ phát triển chung của cả vùng Đông Nam Bộ. Hiện nhiều đoạn trên quốc lộ 51 đã bị hư hại và xuống cấp cần phải có sự bảo trì, bảo dưỡng.

Việc xe đông và ách tắc liên tục trên quốc lộ 51 đã kéo theo nhiều hệ lụy, đó là sự tốn kém nhiên liệu của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty vận tải Tiến Đạt có trụ sở tại TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trước đây mỗi lần di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đến Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ mất hơn một tiếng, nhưng giờ thì không thể tính được thời gian, có những lúc kẹt đường nghiêm trọng phải mất cả 5-6 tiếng đồng hồ mới tới được TP.Vũng Tàu.

Cũng theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, do diễn biến phức tạp của tình trạng giao thông trên quốc lộ 51, đoạn đi qua TX.Phú Mỹ đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, các ngành chức năng đã phải tiến hành rà soát những bất cập trên đoạn đường này. Theo đó, mặt đường nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng. Công tác vệ sinh lòng đường, vỉa hè một số đoạn chưa bảo đảm; đất đá, rác vẫn rơi vãi nhiều trên tuyến; nhiều vạch sơn phân làn bị mờ. Ngoài ra còn có một số đoạn xảy ra ngập nước khi trời mưa lớn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và kết cấu công trình.

Tình trạng xe ùn ứ thường thấy trên quốc lộ 51. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Có thể thấy, trước đây trên quốc lộ 51, tình trạng ùn tắc, kẹt xe chỉ xảy ra vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, nay chỉ cần có vụ tai nạn xảy ra là có thể gây kẹt xe kéo dài. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, thời gian tới, khi cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải tăng công suất khai thác, cộng thêm tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa- Vũng Tàu) đi vào hoạt động thì tình trạng quá tải, kẹt xe trên quốc lộ 51 sẽ còn khủng khiếp hơn.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 51, nhiều kiến nghị đã được nêu ra với các ngành chức năng, lãnh đạo huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết đã kiến nghị với Uỷ ban nhân dân tỉnh này đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm cho nghiên cứu xử lý các nút giao bị ùn tắc trên quốc lộ 51 để việc đi lại trên tuyến đường này được thuận tiện và an toàn hơn. Theo đó, cần xây dựng các điểm ùn tắc thường xuyên thành nút giao khác mức thay vì đồng mức như hiện nay.

Cụ thể, ở nút giao với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với quốc lộ 51, cần xây dựng hầm chui qua ngã tư. Cùng với đó, tại nút giao với đường 25B vào huyện Nhơn Trạch cũng cần xây dựng hầm chui dọc theo quốc lộ 51 do lưu lượng xe ra vào khu vực này luôn ở mức rất cao. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho hay, ngoài 2 nút giao nói trên thì các điểm giao cắt khác trên tuyến quốc lộ 51 cũng cần phải đầu tư xây dựng thành nút giao khác mức, bởi nếu không tính toán lâu dài một cách đồng bộ thì khi giải quyết được điểm này sẽ gây ùn tắc ở điểm khác.

Trước mắt, để giảm thiểu ùn ứ xe, Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu đang chờ Bộ Giao thông Vận tải chọn nhà thầu cung cấp thiết bị để công ty này triển khai việc thu phí không dừng. Cùng với đó, Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cần được đẩy nhanh tiến độ, bởi tuyến đường này có tính kết nối vùng, phát huy hết năng lực cảng container nước sâu của Bà Rịa- Vũng Tàu cũng như Đồng Nai, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông lên quốc lộ 51.

Được biết lãnh đạo các tỉnh, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần kiến nghị Trung ương sớm đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Trảng Bom - Vũng Tàu để gánh bớt lưu lượng hàng hóa cho đường bộ, nhất là cho tuyến quốc lộ 51. Đồng thời, để có thể triển khai sớm con đường, Trung ương nên giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý dự án. Cần có cơ chế về vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào dự án; chọn các doanh nghiệp có năng lực về tài chính lẫn kinh nghiệm chuyên môn, hoặc có quy định về số vốn tối thiểu của các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực